Life is Strange – nếu gọi đây là một trong những tựa game hay nhất từng được tạo ra thì cũng chẳng phải nói quá. Dù rằng nó chỉ có một lối chơi đơn giản là đi bộ và click chuột, thế nhưng cốt truyện của trò chơi này chẳng hề kém cạnh bất cứ bộ phim Hollywood nào.
Hình ảnh học viện Blackwell hiện lên gần gũi thân thuộc, với đủ các thể loại sinh viên từ tiểu thư nhà giàu cho đến mấy em mọt sách chỉ biết cắm đầu vào học, từ f*ck boy cho đến mấy cậu trai tốt lẽo đẽo theo gái chờ vận may. Và lẩn khuất đâu đây, có cả những kẻ tâm thần biến thái nữa.
Người chơi sẽ được hóa thân vào Maxine Caulfield – cô sinh viên ngoan hiền, lầm lì ít nói, lại ăn vận theo kiểu gái nhà lành chân chất nên thường xuyên bị các hot girl trong trường trêu chọc. Cô gái rất đam mê nhiếp ảnh và luôn mang theo một cái máy ảnh trong túi.
Một ngày nọ, Max trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Cô chứng kiến một cơn bão cực mạnh đổ bộ vào Arcadia Bay. Tỉnh dậy trong lớp học, Max hoàn toàn không hiểu chuyện gì xảy ra.
Tưởng chừng như chỉ là một cơn ác mộng, ấy vậy mà mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn: Max có được khả năng du hành thời gian, hoàn toàn không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ cỗ máy nào. Cuộc đời thiếu nữ bước sang một trang mới.
Nội dung game
Rất nhiều thứ thú vị bên trong trò chơi này, vậy nên ta cứ đi từ tốn lần lượt vậy.
Game sở hữu một cốt truyện toàn diện, lấy bối cảnh học đường cùng những câu chuyện thường ngày ở huyện nên dễ dàng tạo được cảm giác đồng cảm với người chơi.
Không chỉ có vậy, nhiều tình huống bất ngờ đã được đặt ra. Phải nói thật là khoảnh khắc Chloe ngồi xe lăn xuất hiện thực sự ám ảnh mình. Rõ ràng là nụ cười hạnh phúc khi được gặp lại bạn cũ, nhưng có một điều gì đó thật đau lòng.
Bên cạnh đó, bóng dáng của hai tựa phim tượng đài về du hành thời gian là The Butterfly Effect và Donnie Darko. Có lẽ không chỉ mình mà tất cả những ai đã từng thưởng thức hai bộ phim kia đều cảm thấy phấn khích khi chơi Life is Strange.
Một trong những điểm xuất sắc của tựa game này chính là khả năng time travel của Max được xây dựng chi tiết: cô gái có thể tua về một khoảng thời gian ngắn trước đó, có thể di chuyển tới một thời điểm xa hơn bằng những tấm ảnh, nhưng lại chỉ được gói gọn trong khuôn khổ của bức ảnh – một điều mà mình rất thích.
Bản chất của khả năng “tua” là chỉ mình Max được giữ nguyên vị trí và nhớ được những gì đã xảy ra, từ đó mà cô gái có thể sáng tạo ra nhiều skill thú vị, ví dụ như lấy lòng người khác bằng thông tin trong lời nói hay là phá vỡ một cái gì đó rồi phục hồi lại, như cái đoạn phá cửa phòng hiệu trưởng chẳng hạn.
Và cũng chính nhờ có cái sự du hành này mà các hệ lụy khác đã kéo theo. Các quyết định của Max có thể chia làm 3 loại: hoàn toàn không ảnh hưởng, có ảnh hưởng nhẹ và gây ra hiệu ứng cánh bướm cực kỳ mạnh mẽ. Về cơ bản thì chỉ có cái thứ ba là quan trọng nhất thôi, mấy cái kia thì hầu như chỉ thay đổi các câu thoại và thái độ giữa các nhân vật.
Loại thứ nhất sau khi chọn không có gì xuất hiện cả, loại thứ hai có một con bướm nhỏ ở góc màn hình, loại thứ ba màn hình trở nên mờ nhòe như bạn đã thấy. Những điều này đã tạo nên một dấu ấn khó phai của tựa game.
Bên cạnh đó, nhờ sự sắp xếp một cách khoa học trong kịch bản nên mặc dù có một hệ thống các quyết định cực kỳ đồ sộ và lắt nhắt nhưng Life is Strange lại chỉ có đúng hai cái kết.
Maxine Caulfield, cũng như Donnie Darko hay Evan Treborn, đều là những con người nắm trong tay quyền năng thao túng thời gian, nhưng đó cũng là nguồn cơn của mọi chuyện.
Một điểm chung của các nhân vật chính trong phim (game) time travel là họ đều quá tốt bụng, luôn mong muốn giúp đỡ những người xung quanh đến mức quên mình, để rồi chính bản thân phải trả giá.
Tuy nhiên, bớt thê thảm hơn và cũng chính là điểm khác biệt lớn so với hai tác phẩm kia, cái kết của Life is Strange không lấy đi mạng sống của nhân vật chính – con người tử tế nhất. Mặc dù có mất mát nhưng vẫn đúng với tiêu chí của game, mọi thứ đều nhẹ nhàng và thanh thản, không gây ra một chút ức chế nào cả.
Về cái kết thứ nhất – hy sinh Chloe, cũng chính là cái kết mà mình lựa chọn lần đầu. Rõ ràng đây là điều không ai mong muốn, nhưng vẫn là sự lựa chọn an toàn hơn. Max đã làm mọi thứ chỉ vì không muốn mất Chloe, nhưng việc hy sinh cả Arcadia Bay thì rõ ràng là không nên. Thêm vào đó, nếu làm vậy thì chẳng phải mọi nỗ lực cứu Kate hay tống cổ thằng thầy giáo bệnh hoạn vào tù đều là công cốc hay sao. Còn cả Warren, Joyce hay David đều là người tốt cả mà.
Dường như sự ra đi của Chloe vốn đã là định mệnh, dù ở thực tại nào đi nữa. Nên nhớ rằng lần đầu tiên Max cứu Chloe là ở trong nhà vệ sinh, gần như là ngay đầu game luôn. Và từ đó cho đến lúc trò chơi khép lại Max đã phải ra tay cứu bạn không biết bao nhiêu lần rồi.
Về cái kết thứ hai – hy sinh Arcadia Bay. Sau khi Jefferson bóc lịch, cả thị trấn lúc này có lẽ chỉ còn Sean Prescott – ông bô của thằng Nathan là đáng chết mà thôi, vậy mà lại tiêu diệt hết tất cả thì hơi quá.
Sau khi cơn bão đi qua, chỉ còn lại Max và Chloe còn sống, vậy họ sẽ sống tiếp kiểu gì khi mà người thân không còn, trường học, thành phố bị phá hủy?
Nhưng dù sự lựa chọn có là gì đi nữa, Chloe chắc chắn vẫn luôn là một phần ký ức đẹp của Max. Không phải bỗng dưng mà trước khi đến với sự lựa chọn cuối cùng, đến với ngọn hải đăng, Max đã được đi trên một con đường lưu giữ những kỷ niệm của cô với người bạn thân.
Vượt lên trên cả một trò chơi thuần túy, Life is Strange còn là một sự trải nghiệm, một góc nhìn sâu sắc về cuộc sống đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Có cả tá những thông điệp nhân văn có thể rút ra được từ tựa game này. Một điều cơ bản nhất mà chúng ta dễ dàng thấy ngay, đó là mọi thứ chúng ta nhìn thấy chưa hẳn đã là như vậy. Nhân vật minh chứng rõ nét nhất cho điều này hẳn là David, người đàn ông “tai mắt ở khắp nơi”, lúc đầu còn bị nghi ngờ là một mối hiểm họa hóa ra lại chỉ đang muốn bảo vệ an toàn cho cái Arcadia Bay này mà thôi.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu chúng ta để ý đến tình tiết David đã từng đi lính. Sự thật là những con người từng có những năm tháng trong quân ngũ đều cảm thấy khó hòa nhập với cuộc sống và thận trọng hơn sau khi họ trở lại.
Khoảnh khắc David chia sẻ rằng chú coi Chloe như con gái, để rồi nhận được tin rằng cô đã chết thật khiến người ta không khỏi rưng rưng.
Rồi thì đến Nathan, thằng cu bệnh hoạn này trở nên như vậy phần lớn cũng là bởi ông bố lắm tiền nhiều của nhưng vô cảm của nó. Cuối cùng thì điều có ích nhất mà Nathan làm được là gửi một thông điệp cảnh báo đến Max, nhưng đáng tiếc là lúc đấy nữ chính cũng đang bị trói rồi.
Hay như Frank chẳng hạn, đây cũng là một nhân vật xuất hiện cực kỳ hổ báo, nhưng sau đó lại bộc lộ được ít nhiều nhân tính của một con người. Ở đoạn kết của game, Frank thậm chí còn đến viếng Chloe, dù rằng trong thực tại này việc cả hai chạm mặt nhau vẫn chưa xảy ra.
Và cuối cùng là “ông trùm”, kẻ đã có một pha lật kèo khó tin. Xuất hiện ở ngay đầu game, với một vẻ ngoài bảnh bao, râu quai nón men lì, kính cận tri thức, sơ mi trắng soái ca đủ để làm bao con tim nữ sinh xao xuyến. Sơ yếu lý lịch vô cùng sạch sẽ, chí ít là cho đến lúc hắn bắn chết Chloe. Ai mà có thể ngờ được rằng ông thầy đạo mạo trên lớp lại có thể là một con thú sau khi tan học cơ chứ.
Đây là một sự sắp đặt đầy ý đồ khi Mark Jefferson cũng là người mà Max có ít sự tương tác nhất trong số các nhân vật, dành cho bạn nào không để ý.
Thực sự là chẳng có gì để nói về thanh niên này nữa rồi. Thân thế và nguyên nhân cho sự biến thái của gã không được lý giải một cách rõ ràng, chỉ biết là nghiện chụp ảnh “nghệ thuật” mà thôi. Lần cuối cùng Max gặp nó là trong căn hầm. Cũng may là mình quyết định chọn nói dối David chứ không thì lại có một cái lỗ ở trên đầu.
Bên cạnh đó, vấn đề bắt nạt ở học đường cũng được lồng ghép khá rõ ràng. Chúng ta có thể thấy nguyên một sân trường đứng giơ máy quay lên, thậm chí còn văng vẳng đâu đó một vài câu nói như “con đ* đấy lộ mặt rồi kìa”, nhưng tuyệt nhiên là chẳng có ai leo lên ngăn cản Kate lại cả. Ấy vậy mà sau khi Max cứu được Kate thì ai nấy đều an ủi, cảm thông thương xót vỗ về các kiểu. Công nhận tình người chứa chan thật.
Sau tất cả, chính là điều mà bạn cũng đã có thể bắt gặp trong bất kỳ bộ phim nổi tiếng nào về du hành thời gian: luôn có những mất mát trong cuộc sống, dù ta có cố né tránh đến mấy đi chăng nữa. Càng cố vẹn toàn, càng dễ mất tất cả. Thay vào đó, hãy chọn lấy một thứ và chấp nhận sự lựa chọn của mình, cũng như điều mà Max đã làm vậy.
Ngoài ra thì có một chi tiết nhỏ mà mình để ý thấy: con nai ở gần ngọn hải đăng giống như là hiện thân của Rachel Amber vậy. Sau khi Max và Chloe tìm ra cái xác cô gái xấu số, con nai cũng dần biến mất.
Bên cạnh các yếu tố nêu trên, phần đồ họa và âm nhạc trong game cũng là đỉnh cao. Chẳng nói đâu xa, chỉ riêng cái khung cảnh ngoài menu thôi cũng đã đủ gây nghiện rồi.