Giới thiệu phim
Kịch bản về một ngày không hồi kết giờ đây đã không còn quá mới mẻ, từng có khá nhiều tác phẩm khai thác đề tài này và Before I Fall cũng được xếp vào một trong số đó. Với lợi thế về mặt hình ảnh vì là một bộ phim mới, liệu Before I Fall có thể vượt qua được những cái tên từng gây được tiếng vang trước đó ?
Cắt nghĩa một chút về “một ngày không hồi kết” nhé. Về cơ bản thì những bộ phim kiểu này sẽ xoay quanh một nhân vật có lối sống không mấy tốt đẹp, và vì một lý do bí ẩn nào đó mà họ bị rơi vào cảnh sống đi sống lại một ngày.
- Xem thêm : Giải thích phim Triangle – Tam Giác Quỷ
Mọi thứ vẫn bắt đầu vào buổi sáng và kết thúc vào buổi tối, nhưng điểm khác biệt là cách hành xử của những người xung quanh thì lặp đi lặp lại như một cái máy và chỉ có nhân vật chính là nhận ra điều đó. Mục tiêu của tất cả những ai rơi vào tình cảnh này đều là biến cuộc sống của họ trở lại như xưa, ngắn gọn vậy thôi.
Before I Fall có một cảnh mở đầu mang hơi hướng kinh dị khi một cô gái bất ngờ xuất hiện trước màn hình với nụ cười nửa miệng trên phông nền u ám, điều này khiến mình không khỏi tò mò về những diễn biến tiếp theo.
Mọi thứ sau đó trở nên rõ ràng hơn khi cô gái chia sẻ rằng mình không giống những người khác, khái niệm “ngày mai” đối với cô không tồn tại. Cô gái đó là Samantha (Zoey Deutch), một học sinh cấp 3.
Sam có một nhóm bạn dù xinh đẹp nhưng khá xấu tính. Bọn họ giống kiểu một hội bạn mà chúng ta vẫn thường thấy trong các bộ phim về high school của Mỹ : hot girl, nhiều trai theo nhưng dĩ nhiên là họ chỉ thích mấy thằng bẩn bựa. Vì lẽ đó những cô gái này chả mấy khi để ý đến các chàng trai tốt xung quanh họ, họ cũng mặc sức đưa ra những lời lăng mạ các cô gái kém sắc hơn mình.
Buổi tối hôm đó, một bữa tiệc theo kiểu tại gia được tổ chức ở nhà một bạn nam với sự tham gia của nhiều học sinh. Một cuộc ẩu đả giữa nhóm bạn và một cô gái diễn ra ngay sau đó. Bọn họ, thậm chí cả những người chả liên quan ở xung quanh bắt đầu miệt thị bằng những từ ngữ kinh tởm và hắt rượu vào cô gái tội nghiệp kia.
Cảm giác tủi nhục và đau đớn bủa vây, cô gái đó ngay lập tức bỏ chạy. Nhóm bạn cũng mau chóng rời khỏi bữa tiệc.
Họ vừa lái xe vừa nô đùa, và rồi điều gì đến cũng sẽ đến : một vụ tai nạn xảy ra, chiếc xe lộn cả chục vòng trên đường. Phần ảo diệu nhất là đây : Sam tỉnh dậy, mọi thứ vẫn diễn ra y chang như những gì cô vừa trải qua. Tất nhiên là chỉ mình Sam nhận ra điều đó.
Và rồi…bạn phải tự khám phá thôi.
Cảm nhận phim
Điều đầu tiên khiến mình thích thú về phim đó là Sam đã “phá vỡ bức tường thứ tư”. Nghe thì có vẻ nguy hiểm, nhưng nói nôm na thì nó là việc cô ấy đối thoại trực tiếp với người xem, phương thức này có thể tạo nên một sự đồng cảm không hề nhẹ. Có nhiều bộ phim từng sử dụng cách này trước đó, tiêu biểu nhất phải kể đến Fight Club.
Điểm cộng thứ hai mà chắc không nói bạn cũng biết, đó là khuôn mặt trong sáng như một thiên thần của nữ chính, cùng giọng nói có khả năng làm tan chảy bất cứ chàng trai nào đứng đối diện. Zoey Deutch – cô gái này mới chỉ có 23 tuổi, số lượng phim tham gia chưa nhiều nhưng những gì thể hiện được là cực tốt.
Các nhân vật còn lại phần lớn cũng được thủ vai bởi các diễn viên trẻ nhưng họ làm khá tốt phần việc của mình, đặc biệt là cô gái đóng vai Juliet.
Ngoài ra thì phim sử dụng tông màu tối tăm, hơi mờ ảo như màn sương bao phủ, có thể nói là hao hao Tia Nắng Vĩnh Cửu Của Tâm Hồn Tinh Khiết. Hình ảnh trông rất dịu mắt và mình thì đặc biệt thích điều này. Bên cạnh đó thì phần âm nhạc cũng rất tuyệt và hợp với bối cảnh.
Điều quan trọng nhất cần phải được xem xét ở đây là cốt truyện và cách hành xử của nhân vật bởi hai cái này là nhân tố tạo nên sự khác biệt giữa những phim thuộc thể loại “ngày vô tận” này (mình bịa ra cái tên này đấy).
Điểm qua một vài cái tên cùng thể loại nhé. Chúng ta từng có Groundhog Day được biết đến như một sự đột phá trong kịch bản vào những năm 90. Gần với thời điểm hiện tại thêm một chút là Edge of Tomorrow nhận được không ít khen ngợi, mặc dù phim cũng khai thác về vòng lặp nhưng có sự khác biệt nhất định. Mới đây nhất là màn ra mắt ấn tượng của Happy Death Day, khi mà tác phẩm này rẽ sang một hướng hoàn toàn tách biệt so với những cái tên nêu trên : kinh dị.
Mình thấy Groundhog Day mang nhiều điểm tương đồng hơn cả so với Before I Fall. Hãy thử đặt lên bàn cân với một bên là kinh điển, một bên là hiện đại xem sao. Quên mất, nếu bạn chưa xem Groundhog Day thì xem luôn đi nhé, hay lắm.
Về cốt truyện, có sự khác biệt nhất định giữa hai bộ phim này. Bên phía Groundhog Day, chúng ta có một ngày lễ tên là Ngày Chuột Chũi, và nó được xem là nguyên nhân dẫn đến cái vòng luẩn quẩn đè nặng lên vai nhân vật chính – anh chàng Phil.
Với Before I Fall, chúng ta không có một nguyên nhân rõ ràng nào cho rắc rối của Sam cả. Con số 12h39 đầu phim thực chất chỉ mang tính đánh lạc hướng khán giả, khiến người ta tin rằng chỉ cần vượt qua được cái “giờ lành” đó là nàng sẽ tai qua nạn khỏi. Đây có thể xem là một điểm gây bất ngờ của phim.
Về thái độ ứng xử của nhân vật chính, cái này cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng lớn đến thành công của tác phẩm. Khoản này thì nhân vật Phil bên Groundhog Day có phần nhỉnh hơn, nam danh hài Bill Murray đã thể hiện cực kỳ xuất sắc vai diễn, từ một kẻ đáng ghét chuyển biến dần thành một chàng trai dễ mến trong mắt người khác.
Trước khi rơi vào vòng lặp anh ta là một kẻ cáu kỉnh, ham danh lợi và chả bao giờ quan tâm đến những thứ xung quanh. Vài ngày sau, anh chán ghét cái vòng luẩn quẩn, bắt đầu lợi dụng tình cảnh trớ trêu để vụ lợi cho bản thân bằng những chiêu trò mà nếu mình được sống một ngày như vậy, mình cũng sẽ thử qua.
Một thời gian sau khi nghịch ngợm chán chê, anh bắt đầu nản và tự sát, nhưng tất nhiên là ông trời không cho chết rồi. Phải đến rất lâu sau đó, anh chàng mới dần cảm thấy hứng thú với những gì diễn ra quanh mình. Anh giúp đỡ mọi người xung quanh, học piano, đọc sách,… làm những việc mà chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ làm. Có lẽ chừng đây là đã đủ để bạn thấy sự phức tạp trong cách xây dựng nhân vật Phil.
Samantha của Before I Fall thì lại khác. Tâm lý của cô nàng có phần ngược với Phil. Những ngày đầu Sam chỉ tỏ ra hơi hoang mang một chút, rồi nhanh chóng lấy lại bình thản trước những gì xảy ra với mình, như thể nàng đã biết trước kịch bản vậy (hay là em ý xem Groundhog Day rồi ?).
Tuy nhiên, sau khi trải qua hàng trăm ngày như vậy, Sam nhận ra rằng dù cố gắng đến mấy thì mọi thứ vẫn vậy, cô bắt đầu nổi loạn hơn, nói thẳng những điều cô nghĩ về mọi người và trút giận lên cả thế giới.
Mình cực thích đoạn này, nếu bạn từng xem Black Swan thì hẳn sẽ thấy bóng dáng của “Thiên Nga Đen” ngự trị nơi Samantha khi cô kẻ mắt đen và tỏ rõ sự bất cần về mọi thứ. Cái này còn có tên khoa học là Thiên Thần Sa Ngã.
Nhưng rồi cô nàng lại nhận ra rằng mình không thể đối xử với người xung quanh bằng sự cay độc như vậy, Sam lại một nữ trở thành cô gái nhân hậu, tốt bụng, yêu thương người mẹ, cô em gái, nhóm bạn của mình và đồng thời trân trọng tình cảm của Sam. Trở ngại khó giải quyết nhất lúc này có lẽ là Juliet.
Cảm nghĩ về cái kết của phim
Mình đặt phần này tách biệt hẳn ra để đảm bảo rằng bạn đã thưởng thức hết bộ phim trước khi đọc tiếp. Vậy nên nếu bạn chưa xem thì tốt hơn hết là tạm dừng tại đây đã nhé, đọc tiếp là mất hay đấy.
.
.
.
.
.
.
.
Rồi, nếu bạn đã xem hết Before I Fall thì chắc hẳn một nỗi buồn man mác chạy ngang tâm trí bạn là điều không thể tránh khỏi. Cho đến tận bây giờ đã là hai ngày kể từ khi xem hết bộ phim nhưng mình vẫn cảm thấy thoáng một chút buồn.
Thú thực là khi Sam bị tai nạn thay cho Juliet, cùng với dòng hồi tưởng được lặp lại từ đầu phim của cô, mình ngay lập tức nghĩ rằng lời nguyền đã bị phá vỡ và cô nàng sẽ tỉnh dậy ở trên giường, tận hưởng buổi sáng đẹp trời. Nhưng thật không ngờ…
Ngay khi dòng hồi tưởng vụt tắt, để lại một sự thật đau lòng là cái xác của Sam. Đến lúc này, mình chợt nhận ra nụ cười bí ẩn của cô gái tội nghiệp ở ngay đầu phim xuất hiện là có nguyên nhân của nó. Có vẻ như thiên thần là có thật và cô ấy đã mất sau khi phim kết thúc.
Mặc dù Sam tỏ ra hết sức thanh thản trước cái chết của bản thân nhưng không có nghĩa là người xem như mình không hề cảm thấy thương xót, áy náy hay thậm chí là bực bội trước sự ra đi của cô. Đối xử tử tế với tất cả những người xung quanh và rồi nhận lấy kết cục không mấy tốt đẹp cho bản thân, điều này làm mình nhớ đến Donnie Darko.
Tuy rằng cái kết này khá vô lý bởi rõ ràng là Sam cùng nhóm bạn từng lộn cả chục vòng trên đường mà cô vẫn bình an vô sự trong khi lao ra cứu Juliet thì lại phải bỏ mạng. Dẫu vậy sự ám ảnh mà nó để lại trong tâm trí người xem là không thể chối cãi.
Nhìn nhận lại toàn bộ những gì đã xảy ra, mình thấy Before I Fall là một tác phẩm hay, diễn viên thể hiện tốt, mình đặc biệt có cảm tình với nữ chính, hình ảnh màu sắc thu hút, cái kết của phim cực bất ngờ, bi thảm và khiến mình không thể nào quên.
Một chi tiết thú vị mà chưa chắc bạn đã để ý, đó chính là màn hình nền điện thoại của Sam, hãy xem lại và bạn sẽ thấy sự tương quan thú vị giữa tấm ảnh đó với nội dung phim.
Bài viết này kết thúc ở đây, hãy comment chia sẻ cảm nghĩ của bạn cho mình xuống bên dưới nhé, đừng quên chia sẻ nếu thấy bài viết này thú vị để tiếp thêm động lực cho tác giả tiếp tục viết thêm về những bộ phim hay ho khác.