Giới thiệu phim
Bộ phim được phát triển dựa trên một ý tưởng độc đáo, thú vị, với câu chuyện đơn giản nhưng đầy ám ảnh, đó chính là Phone Booth. Tác phẩm điện ảnh vừa làm khán giả phải trải nghiệm cảm giác bức bối cùng nhân vật, vừa khiến chúng ta phải suy ngẫm một chút về thế giới vội vã ngày nay.
Về cơ bản là phim gấp gáp, kịch tính và rất dễ xem. Thời lượng thậm chí còn chưa tới tiếng rưỡi. Thế nên là chẳng có lý do gì để bạn nói lời chối từ cả.
Stuart Shepard – một PR chuyên làm việc với những người nổi tiếng, giúp họ đánh bóng tên tuổi. Hằng ngày anh đều bận rộn với lịch trình dày đặc của mình, nhưng vẫn không quên ra một bốt điện thoại công cộng quen thuộc để gọi điện cho Pamela – tình nhân bé nhỏ của mình. Lý do tất nhiên là bởi gọi bằng di động thì lộ hết, còn vợ cả ở nhà nữa chứ.
Và hôm nay thì cũng như mọi khi. Stuart bước vào, bấm số, nói lời yêu thương rồi dập máy, nhưng một điều bất thường đã xảy đến trước khi anh kịp bước ra: chuông reo.
Stu nhấc máy và rồi một giọng nói ghê tởm cất lên. Kẻ lạ mặt ở đầu dây bên kia khống chế, ép anh phải gọi điện cho vợ để kể hết mọi thứ mình đã che giấu suốt thời gian qua. Nếu làm trái, người đàn ông đen đủi sẽ phải yên nghỉ trong cái buồng điện thoại chết tiệt.
Hãy thưởng thức phim trước khi đọc nốt phần bên dưới bạn nhé.
Cảm nhận phim
Dù chỉ dài vỏn vẹn 81 phút nhưng dư âm mệt mỏi vật vã mà Phone Booth để lại là không cần bàn cãi. Hiếm có bộ phim nào mà mặc dù nạn nhân cũng chẳng phải người tử tế tốt đẹp gì nhưng vẫn khiến khán giả cảm thấy tội nghiệp đến vậy.
Sự dày vò tịnh tiến dần theo thời gian khiến chúng ta có cảm giác như nhân vật chính sắp sửa vỡ tung ra đến nơi vậy. Cứ thử tưởng tượng một ngày xấu trời nào đó bạn cũng bị lôi ra phán xử theo cái cách công khai như vậy xem cảm giác lúc ấy sẽ ra sao.
Khoảnh khắc đắt giá nhất phim chính là đoạn Stu thú nhận tội lỗi trước mắt tất cả mọi người, và chốt lại bằng câu nói “tôi không làm điều đó vì ông”. Nó cho thấy anh đã biết trân trọng vợ mình và cuộc sống xung quanh hơn trong cái tình thế ngàn cân treo sợi tóc này.
Ở kết thúc phim, đã có một cái kết có hậu dành cho chàng trai xấu số. Tuy nhiên với sự xuất hiện bất thình lình và bước qua hiện trường như một bóng ma của kẻ chủ mưu thì chúng ta có thể tin rằng, một ngày nào đó sẽ lại có ai đó bước vào bốt điện thoại rồi lắp ba lắp bắp trong đó đến cả tiếng đồng hồ.
Không chỉ có ý nghĩa về cách đối xử của con người, Phone Booth còn cho khán giả thấy được hiểm họa về việc quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm qua đường dây điện thoại hay internet. Điều này vô tình làm mình liên tưởng tới Black Mirror, tác phẩm vẽ nên một tương lai không mấy tươi sáng trong thời đại công nghệ bùng nổ.
Để làm nên thành công của phim, bên cạnh phần nội dung đã rất hấp dẫn ra thì còn phải kể đến người đã hóa thân vào nhân vật chính nữa, và đây lại là một màn trình diễn đầy khắc khoải của Colin Farrell. Sự chuyển biến từ một kẻ hợm hĩnh coi thường cả thế giới cho đên một con tin bị dồn vào đường cùng hiện diện rất rõ trên gương mặt anh.
Thanh niên này dù không quá nổi tiếng nhưng được cái đóng nhiều phim chất lượng, và bạn nên xem thử In Bruges.
Trong số các gương mặt diễn viên còn lại, bạn có thể thấy đâu đó bóng dáng vợ cũ của Tom Cruise – Katie Holmes, phiên bản trẻ trung xinh đẹp, cách đây có 17 năm thôi mà.
Và đó là một chút cảm nhận của mình về Phone Booth, tựa phim nhỏ mà có võ. Hãy cho mình biết suy nghĩ của bạn xuống dưới và đừng quên ghé thăm Viết Gì Đây thường xuyên nhé.
Để mang đến thành công cho phim. Còn 1 yếu tố lớn nữa chính là chất giọng cực hay của phản diện (sát thủ). Thủ vai bởi Kiefer Sutherland.
Chất giọng mà nếu bạn đã xem các phim của ông thì k bao giờ quên.