Giới thiệu phim
Cũng đã lâu lắm rồi mới lại có một sản phẩm của Christopher Nolan xuất hiện ở đây. Như một thói quen, ông tiếp tục bày binh bố trận ra một kịch bản theo kiểu thách thức sự tập trung của người xem trong Dunkirk, nhưng trên một chất liệu khác biệt hoàn toàn so với các tác phẩm trước : chiến tranh.
Kịch bản này có một sự tương đồng nhất định với huyền thoại Memento, với mạch phim được dàn dựng theo kiểu xen kẽ và những sự kiện diễn ra vào mốc thời gian khác nhau, nhưng dễ nắm bắt hơn một chút. Chắc chắn Dunkirk sẽ hấp dẫn bạn đến phút cuối cùng.
Vị đạo diễn lừng danh tiếp tục hợp tác với hai gương mặt thân quen là Cillian Murphy và Tom Hardy, bên cạnh hai thanh niên trẻ người chả biết có non dạ không là Fion Whitehead và Harry Styles. Đặc biệt là Harry Styles thì chắc bạn nào hay nghe nhạc US-UK cũng nhẵn mặt rồi.
Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến người cộng sự quen thuộc của Nolan : phù thủy âm thanh Hans Zimmer. Nếu bạn chưa biết bác này thì có thể tìm một vài bản sountrack của Interstellar hay Pearl Harbor nghe thử nhé, rất phê.
Để nói về nội dung phim, trước hết cần làm rõ bối cảnh của trận Dunkirk. Đây là một trận đánh tại bờ biển Dunkirk, diễn ra giữa Đức Quốc Xã và quân Đồng Minh, bao gồm Anh, Pháp và một số nước khác.
Đứng trước mất mát to lớn, Winston Churchill buộc phải đưa rất nhiều tàu dân dụng ra đón các binh sĩ về Anh Quốc. Những gì bạn sắp sửa được chứng kiến là hành trình bảo toàn mạng sống của các anh lính trong khi chờ thuyền đến cứu.
Phim được chia làm ba phần, chiếu dưới dạng xen kẽ nhau. Yên tâm, mặc dù không được biểu thị bằng hai phần đen trắng – có màu như Memento nhưng bạn vẫn sẽ nhận biết được. Bởi lẽ phim lấy bối cảnh ở ba vị trí và thời điểm khác nhau : bờ biển Dunkirk với rất nhiều lính Anh, những chiếc tàu cứu hộ trên biển và phi cơ chiến đấu trên không.
Các mốc thời gian sẽ lần lượt là : bờ biển – 1 tuần trước, tàu cứu hộ – 1 ngày trước và phi cơ – 1 giờ trước. Còn “trước” cái gì thì bạn phải tự tìm hiểu cái đã…
Mặc dù được cấu thành từ ba nhánh nhỏ như vậy, nhưng tất cả đều dẫn đến một cái đích chung : giải cứu các anh lính đang chống chọi với bom đạn trên bờ biển Dunkirk. Toàn bộ chiến dịch này có tên Dynamo.
Nếu bạn chưa xem Dunkirk, hãy thưởng thức ngay bộ phim để đắm chìm vào không gian hại não rất riêng của Christopher Nolan trước khi đọc tiếp bài viết này nhé.
P/s : trong trường hợp bạn dư giả thời gian, hãy xem Darkest Hour trước khi bật Dunkirk lên, nó sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn toàn cảnh hơn về những gì nước Anh đang phải đối mặt và tầm quan trọng của cuộc di tản Dunkirk trong thế chiến thứ hai.
Cảm nhận phim
Đoạn phân tích dưới đây sẽ ráp nối lại các tình tiết theo đúng trình tự thời gian nên nếu bạn vẫn chưa xem phim thì hãy cân nhắc trước khi đọc tiếp nhé.
Để dễ hình dung hơn, hãy gắn mỗi nhân vật vào một vị trí. Alex (Harry Styles) và Tommy (Fion Whitehead) nằm trong số những người lính đang chịu cảnh bom rơi trên bờ biển Dunkirk, nhân vật người lính không tên do Cillian Murphy thủ vai được cứu lên một chiếc tàu cá khi anh đang lênh đênh trên biển, cuối cùng là Farrier (Tom Hardy) cùng với người đồng đội Collins (Jack Lowden) đang chiến đấu bằng phi cơ trên không trung.
Lấy đoạn kết thúc phim, tức sự kiện các binh sĩ được giải cứu thành công làm mốc, chúng ta sẽ có thứ tự như sau :
Farrier cùng người bạn Collins đã bắn hạ rất nhiều máy bay địch, phi cơ của Collins bị trúng đạn và anh rơi xuống biển trước. Máy bay của Farrier cũng hết nhiên liệu một thời gian ngắn sau đó, anh hạ cánh an toàn xuống bờ biển nhưng lại bị quân Đức bắt làm tù binh.
Kết thúc sự kiện thứ nhất.
Hai cha con nhà Dawson nhận lệnh kêu gọi của Winston Churchill, cũng như bao thuyền nhân khác, họ lên đường giải cứu những người lính mắc kẹt ở Dunkirk.
Anh lính Clian Murphy (gọi như vậy vì ông này không có tên) được cứu lên tàu cá nhà Dawson khi đang ngồi trên một chiếc thuyền đắm. Anh ở trong trạng thái hoảng sợ tột độ. Khi được biết con thuyền này đang chuẩn bị đến bờ biển Dunkirk để giải cứu các binh sĩ, anh nằng nặc đòi Dawson quay lại nhưng ông không đồng ý.
Từng lát cắt trong suy nghĩ của anh lính kia dần hiện ra : anh đang ở trên một con thuyền bé tẹo, đầy ắp những người lính. Có ba người bơi đến nhưng không được vớt lên vì hết chỗ, đó là Tommy, Alex và Gibson.
Xô xát xảy ra, anh lính không tên kia làm bị thương một cậu bé tên George, bạn của con trai ông Dawson. Cậu bé ra đi không lâu sau đó.
Trên đường, họ gặp một chiếc phi cơ quân đội rơi xuống biển, đó là Collins. Anh được cứu hai cha con Dawson cứu lên thuyền.
Một chiếc một chiếc tàu đang chìm dần xuống biển dần hiện ra trước mắt họ, dầu tràn khắp mặt biển khiến ai nấy mặt mũi đen sì, có vẻ chiếc tàu đó bị trúng đạn. Trong số các chiến sĩ được thuyền nhân vớt lên, dễ thấy lấp ló hai gương mặt thân quen là Alex và Tommy.
Sự kiện thứ hai kết thúc.
Tommy cùng một vài đồng đội khác đang lang thang trên đường phố ở Dunkirk, bỗng một loạt đạn của địch nổ ra, Tommy là người duy nhất sống sót. Anh chạy ra đến bờ biển, nơi những người lính Anh và Pháp đang được đưa lên tàu tháo chạy.
Tommy bắt gặp Gibson, anh ta đang chôn một người lính khác. Cả hai cùng khiêng một quân nhân bị thương khác để được lên tàu, nhưng họ bị cấp trên bắt ở lại để sửa chữa cầu cảng.
Bất ngờ, máy bay Đức kéo tới và thả xuống một loạt bom. Con tàu chưa kịp rời bến đã chìm trong vài phút ngắn ngủi. Những người lính lại phải chờ con tàu tiếp theo.
Nhưng vận đen vẫn không ngừng bám đuổi nam chính của phim. Con tàu di chuyển được không lâu đã bị ăn vài quả ngư lôi và chìm dần. Tommy, Alex và Gibson phải bơi trở lại bờ biển. Ba người gia nhập một hội những người lính khác, họ leo lên một con tàu nhỏ cũ nằm lăn lóc trên bờ biển và chờ đợi nước dâng lên.
Nhưng thật không may, quân Đức nã đạn thủng tàu. Mặc dù thủy triều đã lên và thuyền bắt đầu trôi ra biển nhưng nước tràn vào ngày một nhiều. Họ chẳng thể nào bịt lỗ lại khi mà cứ thò mặt ra là bị ăn đạn.
Các binh sĩ nhận ra họ không thể ra khơi khi mà tàu quá nặng. Trò chơi “ai phải chết” được bày ra, Alex quyết định người phải ra đi là Gibson bởi anh này chả nói một câu nào từ lúc gặp mặt và bị tình nghi là lính Đức cải trang. Nhưng Gibson đã thú nhận anh là người Pháp và trà trộn vào để lánh nạn.
Khi cả đám đang xô xát thì cũng là lúc nước tràn ngập gần nửa thuyền. Nhận thấy không cứu vãn được nữa, họ đành bơi ra ngoài. Và tất cả những người này chính là đám lính mặt mũi đầy dầu được vớt lên thuyền của cha con nhà Dawson. Sự kiện thứ ba khép lại.
Đến một thời điểm khi gần kết thúc phim, ranh giới giữa các sự kiện biến mất. Những người lính đã được trở về nhà. Còn duy nhất ngài chỉ huy già đứng hiên ngang trên cầu cảng, giữ vững tinh thần người chiến binh bất khuất.
Cuộc di tản Dunkirk chấm dứt.
Dựa trên tất cả những gì mà mình vừa xâu chuỗi bên trên, Christopher Nolan một lần nữa cho thấy ông có biệt tài biến hóa những cốt truyện quá đỗi bình thường trở nên hết sức phi thường, và điều đó đã làm nên thương hiệu của ông. Để rồi cứ mỗi khi “phim của Nolan” được công chiếu, người ta lại đón chờ những điều bất ngờ được ông gửi gắm trong từng thước phim.
Bên cạnh cách dẫn dắt khác thường, Dunkirk còn để lại ấn tượng mạnh ở khoản hình ảnh và âm thanh. Đặc biệt những cảnh chiến đấu trên không nhìn rất chân thực và đã mắt. Có được điều này là nhờ máy quay IMAX cho ra lò những khung hình rất rộng với độ phân giải cao.
Dàn diễn viên hoàn thành tốt vai trò của mình, các nhân tố bí ẩn như Fion Whitehead hay Harry Styles đã có cơ hội chứng tỏ bản thân, trong một bộ phim có ít lời thoại như vậy.
Nhìn vào những gì mà Dunkirk đã thể hiện, phim hoàn toàn xứng đáng với các giải thưởng và vô số lời khen ngợi từ cả khán giả quần chúng lẫn giới phê bình.
Và đó là tất cả những phân tích cũng như suy nghĩ của mình về Dunkirk, một tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh theo hướng mới mẻ, với hình ảnh và âm thanh xứng danh bom tấn và điều quan trọng nhất là nó được tạo ra bởi Christopher Nolan.
Nếu bạn thấy bài biết này hấp dẫn, đừng quên nhấn share và để lại một comment xuống bên dưới. Nhớ quay trở lại đây thường xuyên để cập nhật thêm những tác phẩm điện ảnh đặc sắc nhé.
Cho t hỏi là khúc máy bay của Farrier khi bán hạ máy bay địch đã hết nhiên liệu nhưng khúc gần cuối lại bán thêm 1 chiếc nữa cũng hết nhiên liệu lun là s bn?
Khúc này t không rõ lắm???
Phần phim của Farrier chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn mà bạn. Trên thời gian thực thì có lẽ chỉ 5-10 phút thôi, nên anh vẫn cầm cự được.
Vì nó chiếu dưới dạng đan xen nên người xem sẽ tưởng là Farrier đã bay cả tiếng đồng hồ với cái bình xăng cạn.
Những mốc thời gian 1h 1ngày 1tuần là lấy xấp xỉ chứ ko phải chính xác cái mốc thời gian đó phải ko bn?
Cái này thì mình không thấy đề cập đến ^^
Cảm ơn bn đã Review phim này
T cũng hóng mãi
Bài viết của bn rất hay và có ý nghĩa
T sẽ share trên nhiều trang để quảng bá bài viết này và mong bn ra nhiều bài viết như thế này nữa
Bạn là độc giả nhiệt tình nhất từ lúc mình thành lập blog đến giờ đấy ^^ rất cảm ơn bạn đã ủng hộ mình trong suốt thời gian qua.
Ko có zi
Miễn bn Review nhiều phim hay nữa thì OK!!!!
Chắc chắn là mình sẽ tiếp tục viết, còn đến bao giờ thì chưa biết 😀