More
    HomePhimReview PhimTrance (2013) : lạc lối giữa mê cung của những ký ức

    Trance (2013) : lạc lối giữa mê cung của những ký ức

    Published on

    spot_img

    Giới thiệu phim

    Trance – sự kết hợp giữa thuật thôi miên và cấu trúc phức tạp của ký ức mang đến cho bạn một trải nghiệm điện ảnh thú vị nhưng cũng không kém phần khó hiểu.

    Mình từng thấy bộ phim này chiếu trên TV rất nhiều lần, mà toàn xem theo kiểu ngắt quãng. Đến hôm nay ngồi xem online mới thực sự được trọn vẹn.

    Bạn sẽ được theo chân Simon Newton, trợ lý làm việc tại một phòng triển lãm tranh, nơi thường xuyên tổ chức những buổi đấu giá có quy mô lên đến cả triệu đô. Vì giá trị của những tác phẩm nghệ thuật là rất lớn nên họ được đào tạo bài bản để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc.

    Một ngày nọ, điều không may đã xảy đến : một băng nhóm tấn công phòng triển lãm. Simon khẩn trương thực hiện những gì anh được học, tuy nhiên một tên trong số đó chặn đường khi chưa kịp giấu bức tranh vào nơi an toàn.

    Trong lúc xảy ra xô xát, Simon bị tên kia phang cả cái báng súng vào đầu khiến anh bất tỉnh.

    Franck – kẻ tấn công Simon, cũng chính là trùm của băng nhóm, nhanh chóng rời khỏi phòng triển lãm với bức tranh trên tay.

    Trở về nhà, hắn hí hửng mở cái túi đựng chiến lợi phẩm ra. Phơi bày trước mắt cả bọn giờ đây là một cái…khung.

    Bức tranh hiện đang nằm ở đâu, chỉ có anh chàng xấu số đang nằm bất tỉnh là biết.

    Vẫn như mọi khi, hãy thưởng thức phim trước khi đọc tiếp phần bên dưới. Thiên cơ bất khả lộ.

     

    Cảm nhận phim

    Vì bộ phim này ẩn chứa rất nhiều điều bất ngờ nên mình muốn đảm bảo là bạn đã xem nó rồi. Nếu chưa xem thì back ra vẫn còn kịp đấy.

    .

    .

    .

    .

    .

    Có quá nhiều điều để bàn về Mê Cung Ký Ức : ly kỳ, hấp dẫn, nhiều bất ngờ, lẫn lộn giữa trạng thái thôi miên và thực tế. Ban đầu mình cũng tưởng bài này sẽ dễ viết, cho đến khi xắn tay vào làm thì ý tứ bắt đầu loạn hết cả lên.

    Hãy nói về ý tưởng trước. Những gì mà Trance đưa vào phim về liệu pháp thôi miên là tương đối sát so với thực tế.

    Tuy nhiên vẫn phát sinh một vấn đề khá to. Bạn có còn nhớ phân cảnh Simon chứng kiến chính mình bị đánh thông qua cái ipad ? Theo mình biết thì thuật thôi miên cho phép điều khiển tâm trí chứ sao có thể giúp cho con người ta…phân thân rồi nhìn từ một góc độ khác được.

    Mình thấy có một số bài viết cho rằng bộ phim này giống với Inception, nhưng thực tế là hai cái tên này có sự khác biệt lớn.

    Một bên là nằm mơ, một bên là bị thôi miên. Hơn nữa Trance cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ của những ký ức hơn so với Inception. Vậy nên so sánh bộ phim này với Mulholland Drive có khi còn hợp lý hơn.

    Nói về nội dung, phim ẩn chứa tình tiết bất ngờ và cũng rất khó nắm bắt. Điều này đa phần là bởi “mê cung của ký ức”.

    Trance có một khởi đầu tốt, vừa hấp dẫn kịch tính, vừa khơi gợi sự tò mò. Chắc hẳn bạn cũng lờ hình dung được phần nào những gì sẽ xảy ra tiếp theo kể từ khi Simon bị đánh vào đầu.

    Phần giữa phim tạo được nhiều đột biến nhưng vẫn còn tồn đọng một vài tình tiết tạo cảm giác dài dòng, tiêu biểu nhất phải kể đến chính là “mối tình” giữa Elizabeth và Franck.

    Ở kết thúc, nếu bạn vẫn chưa hiểu chuyện gì diễn ra thì đại khái nó là thế này : trong khoảng thời gian nợ nần, Simon từng tìm đến Beth để điều trị tình trạng nghiện cờ bạc. Hơn cả bác sĩ và bệnh nhân, hai người đã yêu nhau.

    Theo thời gian, Simon càng ngày càng muốn kiểm soát Beth, và anh đã có những hành động thái quá. Cuối cùng, nàng bác sĩ tâm lý quyết định “tẩy não” Simon bằng thuật thôi miên.

    Để ý một chút là bạn có thể thấy nhiều phân cảnh từng xuất hiện chớp nhoáng trước đó như hành động gõ vào tấm kính của Simon, cái búng tay của Beth hay bữa ăn giữa hai người tại một nhà hàng được Simon hồi tưởng lại ở đoạn kết.

    Thậm chí bạn cũng có thể hiểu nguyên nhân vì sao Beth lại lột sạch quần áo ra trước mặt Simon khi anh đùng đùng lao vào căn nhà cô. Lý do là bởi điều đó gợi lại cho Simon về “kiểu anh thích”.

    Sau khi bị đánh mạnh vào đầu trong vụ cướp tranh, những ký ức xưa cũ của Simon được gợi lại. Anh chạy ra khỏi phòng triển lãm, đầu bê bết máu và bị một chiếc xe tông phải.

    Người phụ trong xe ra giúp, và Simon đã “ghép” khuôn mặt Beth vào người phụ nữ đó. Anh giết cô gái xấu số bằng “sự tức giận và cảm giác bị lừa dối”, rồi vứt xác vào cốp xe.

    Sau lời phân trần của nữ bác sĩ là màn tẩm xăng đốt xe của nam chính. Simon chắc chắn đã chết khi bị người tình tông phải, Franck tỉnh dậy sau khi bị thôi miên, còn Elizabeth thì…

    Vai trò thực sự của các nhân vật cũng là yếu tố làm nên thành công của phim. Thực tế nhức nhối là ngay cả khi phim kết thúc, chúng ta vẫn chẳng thể hiểu nổi ai mới là người bị hại sau tất cả mọi chuyện.

    Thế này nhé, Simon lúc mở đầu phim được biết đến là một người làm ăn lương thiện, rồi trở thành kẻ hai mang, sau đó lại đóng vai trò nạn nhân trong phần lớn thời lượng, nhưng phải đến gần kết thúc phim thì người xem mới vỡ lẽ ra là thanh niên này không tốt đẹp như chúng ta tưởng.

    Kế đến là Franck, xuất phát điểm là một kẻ tàn nhẫn, đến cuối phim thì có vẻ như…vẫn vậy. Tuy nhiên vấn đề của nhân vật này nằm ở chỗ mặc dù hắn là phản diện nhưng cuối cùng lại vẫn sống tốt.

    Và cuối cùng là cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi – Elizabeth. Đây thực ra mới là nhân vật khó nắm bắt nhất phim khi mà cô nàng cùng lúc xơi tái cả hai người đàn ông, bên cạnh đó là cách hành xử theo kiểu “em chẳng là của ai cả”.

    (Khi sắp sửa hoàn thành bài viết này, mình đã cho rằng Beth là người tốt khi cô đã khôn khéo không để bức tranh rơi vào tay Franck và sẽ giữ nó an toàn. Tự dưng không hiểu sao mình bật lại đoạn kết lên xem, và rồi…)

    Người phụ nữ đó thực chất đã thôi miên Simon ăn cắp bức tranh, như một sự chuộc lỗi cho những gì anh gây ra. Dòng chữ BRING IT TO ME được Beth gửi thông qua mail là tín hiệu cho Simon mang bức tranh tới.

    Trước khi bị người mình yêu lao xe vào, anh cũng đã lẩm bẩm câu này. Có lẽ lúc đó Simon mới nhớ ra toàn bộ câu chuyện, thêm cả cái phần mà cô nàng ranh ma đã giấu anh.

    Trong phút chốc cảm thấy sợ đàn bà, thực sự.

    Tựu chung lại, chúng ta có một bộ phim với dàn nhân vật KHÔNG AI LÀ NGƯỜI TỐT CẢ, điều hiếm khi bắt gặp ở bất kỳ bộ phim nào. Một vở kịch phi thường được dàn dựng dưới bàn tay của một người phụ nữ.

    Mặc dù có khởi đầu tệ hại và cho đến khi kết thúc anh vẫn vậy nhưng hãy dành một phút để tưởng niệm Simon, người đàn ông bị thao túng.

    Trance thực sự làm mình liên tưởng tới cái tên Enemy, tác phẩm điện ảnh này cũng mang đến nhiều tình tiết chắp vá và bắt người xem phải chơi trò xếp hình.

    Về diễn viên, James McAvoy – tức Professor X lại tiếp tục có một vai diễn để đời. Có lẽ vị giáo sư trọc cũng chính là nhân vật hiền lành nhất mà anh từng thủ vai. Nam tài tử người Scotland vẫn còn ít nhất 3 bộ phim thú vị nữa là Wanted, Filth và Atonement. Bạn có thể thưởng thức qua.

    Nhìn chung thì nếu loại bỏ một vài điều mà mình vừa bắt bẻ cho có ở bên trên thì Trance thực sự là một bộ phim xuất sắc. Nội dung có chiều sâu, sâu đến xoắn hết cả não, kịch tính dàn đều khắp phim, nhân vật khó lường, hình ảnh đẹp, nhạc phim cực đã tai, đặc biệt là ở màn cao trào cuối phim… nhiều quá chẳng kể nữa.

    Bạn thích bộ phim này chứ ? Hãy cho mình biết cảm nghĩ xuống bên dưới và đừng quên quay trở lại blog thường xuyên hơn để đón đọc các bài viết thú vị sắp sửa được lên sóng.

    Bài viết mới nhất

    15 bộ phim hay nhất của “Achilles” Brad Pitt

    Tên tuổi lẫy lừng nhất nhì Hollywood, một sự kết hợp hiếm có của...

    12 bộ phim hay nhất của “Jack” Leonardo DiCaprio

    Một gương mặt điển trai đậm chất Mỹ, một giọng nói đặc trưng, một...

    10 bộ phim hay nhất của “Aragorn” Viggo Mortensen

    Nam tài tử nổi lên như một gương mặt sáng giá kể từ khi...

    10 bộ phim hay nhất của “Wolverine” Hugh Jackman

    Gương mặt nam tính, thân hình vạm vỡ cùng một giọng nói bắt tai...

    Bài viết tương tự

    The Pianist : cuộc đời một nghệ sĩ dương cầm

    Giới thiệu phim The Pianist được xếp vào hàng ngũ những kiệt tác điện ảnh...

    Gran Torino (2008): sức mạnh của một con xe cũ

    Giới thiệu phim Gran Torino là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của...

    Unforgiven (1992): trả thù hay cứu chuộc?

    Giới thiệu phim Nếu phải chọn ra ba tác phẩm thành công nhất trong suốt...

    The Good, the Bad and the Ugly : Thiện, Ác, Tà

    Giới thiệu phim The Good, the Bad and the Ugly (Il buono, il brutto, il...

    Good Will Hunting : thiên tài bất chấp nghịch cảnh

    Giới thiệu phim Good Will Hunting là một bộ phim thay đổi cuộc đời của...

    Gladiator : sử thi người chiến binh La Mã

    Giới thiệu phim Tính đến thời điểm hiện tại, Gladiator vẫn được xem là tác...