Demolition mang đến một cách tiếp cận mới lạ, kỳ khôi so với những bộ phim có nội dung tương tự. Và lại một lần nữa, Jake Gyllenhaal cho thấy anh luôn thành công với những vai diễn có tâm lý bất ổn.
Phim bắt đầu bằng một khung cảnh vẫn thường là cội nguồn của mọi vấn đề : một cặp vợ chồng đang đi trên đường, họ trò chuyện về một vấn đề gì đó, bất ngờ một chiếc ô tô lao tới… mọi thứ dường như vỡ vụn.
Người chồng tên Davis tỉnh dậy trong bệnh viện. Ông bố vợ cho anh biết rằng con gái ông đã qua đời.
Davis lang thang khắp nơi, dừng lại trước máy bán hàng tự động. Anh bỏ tiền vào, nhưng gói kẹo bị mắc kẹt, rồi quay ra nhắc nhở lễ tân về chiếc máy. Anh lặng lẽ trở về nhà, ngày hôm đó của người đàn ông mất vợ như dài ra vô tận.
Hôm sau, đám tang của người vợ diễn ra. Davis như người mất hồn. Anh lặng lẽ đi vào phòng, với những biểu cảm phức tạp trên gương mặt.
Sực nhớ ra điều gì đó, anh lấy chiếc bút và bắt đầu viết một bức thư kể lể lại những tháng ngày yên ả của đời mình. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, nó được gửi đến bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty đã sản xuất ra cái máy bán hàng tự động đặt ở bệnh viện. Chắc hẳn đây là định nghĩa chính xác nhất cho câu nói “tâm sự với người lạ”.
Anh ta cứ mãi lay lắt như thế, tiếp tục viết những bức thư mà có lẽ là chả mấy ai để ý. Cho đến một ngày, một cuộc gọi bất ngờ vào 1h30 sáng, đó là cô gái chăm sóc khách hàng ở công ty nọ.
Liệu Davis có thể vượt qua được mất mát to lớn và tiếp tục bắt nhịp với dòng đời hối hả?
Nội dung phim
Điều đầu tiên khiến mình không khỏi tò mò về bộ phim chính là cái poster lạ lùng của nó : hình ảnh nam chính bị “vỡ” mất một mảnh nhỏ ở bên dưới. Quả đúng là như vậy, Demolition không phải một tác phẩm điện ảnh chính kịch bình thường.
Cách sắp xếp các tình tiết, cách chuyển cảnh, cách hành xử phức tạp của nhân vật chính biến một bộ phim với nội dung đơn giản trở nên tương đối cầu kỳ.
Điểm cộng ở đây là mọi thứ được dàn dựng sao cho ăn khớp với từ khóa “mảnh vỡ”. Thật khó để giải thích thủ thuật này nhưng mình nghĩ bạn sẽ nhận ra. Nó cũng giống như cái cách Christopher Nolan đặt xen kẽ các tình tiết trong Memento để phù hợp với chủ đề “mất trí” vậy.
Suốt thời lượng dài 1h40 chỉ là màn đập phá, cắn rứt, tự hành hạ bản thân của Davis. Điều này giúp phát huy tối đa khả năng diễn xuất của Jake Gyllenhaal nhưng lại khiến cho nội dung phim không đọng lại được bao nhiêu trong tâm trí người xem.
Tuy nhiên những biểu cảm theo kiểu sáng nắng chiều mưa của nhân vật chính khiến cho con người này trở nên thật khó hiểu. Đặc biệt là phân cảnh anh ta tự tay phá nát ngôi nhà thân thuộc dường như đã đi quá xa.
Theo mình thì việc đập phá thường đi liền với cảm xúc tức giận nhiều hơn là muốn quên đi thứ gì đó. Nếu muốn quên đi thứ gì đó thì tốt hơn hết là nên đi xa khỏi đó một thời gian, bởi ở một nơi mà nhìn đâu cũng thấy những kỷ niệm thì khó lòng mà rũ bỏ được, kể cả khi đã phá tung mọi thứ.
Sự thật là con người ai cũng sẽ có lúc mất đi người thân, thế nhưng cuộc đời vẫn trôi đi, ai còn sống thì vẫn phải bước tiếp. Đau khổ là chuyện hiển nhiên, dễ thấu hiểu, nhưng đến mức mà hành xử như một cô gái mới lớn thì thực sự là có phần nghiêm trọng hóa mọi việc.
Cái kết của Demolition cũng có thể dự đoán trước, bởi những phim thuộc thể loại này thực sự không có nhiều sự lựa chọn cho lắm. Nhân vật chính thường là sẽ tìm ra cách vực dậy bản thân sau một thời gian dài trượt dốc.