Nocturnal Animals : màn trả thù trên trang sách

6
6361

Giới thiệu phim

Thuộc hàng ngũ những bộ phim khó hiểu và trìu tượng nhất mà mình từng xem, Nocturnal Animals thực sự có nhiều điểm để lại ấn tượng sâu đậm. Đây cũng là bài viết duy nhất từ trước đến giờ được viết trong khi mình vẫn còn rất nhiều thắc mắc về nội dung phim.

Mình có đọc qua một số bài viết về bộ phim này nhưng hầu hết đều đánh giá quá chung chung và sơ sài. Ý nghĩa chính của phim không quá khó khăn để có thể nhận biết, tuy nhiên những hình ảnh ẩn dụ và vai trò của các nhân vật trong bức tranh tổng thể thì mình nghĩ không đơn giản như vậy.

Nocturmal Animals sở hữu một dàn diễn viên chắc chắn sẽ khiến bạn muốn xem phim ngay lập tức : Jake Gyllenhaal, Amy Adams, Aaron Taylor-Johnson, Michael Shannon, Isla Fisher và Laura Linney. Mình dám cá là bạn đã từng nhìn thấy họ ít nhất một lần, dù có thể không nhớ tên.

Phim mở màn bằng cảnh tượng có thể khiến bạn phải trợn trừng mắt và há hốc mồm : vài người phụ nữ già, béo ục ịch đang nhảy múa trong trạng thái khỏa thân.

Mọi thứ dần trở nên rõ ràng hơn, đó thực ra là một màn trình diễn trong bảo tàng nghệ thuật. Buổi biểu diễn kết thúc, Susan Morrow (Amy Adams) – cô quản lý bảo tàng xinh đẹp trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Ngày hôm sau, cô nhận được một món quà từ người chồng cũ Edward Sheffield (Jake Gyllenhaal), đó là bản thảo của cuốn tiểu thuyết do anh ta viết – Nocturnal Animals.

Qua một vài khung cảnh ngắn, ta được tìm hiểu qua về cuộc sống xa hoa của Susan bên người chồng mới, nhưng cô không thực sự hạnh phúc.

Tối hôm đó, Susan bắt đầu lật từng trang sách. Cuốn sách kể về một cặp vợ chồng cùng cô con gái đang ở tuổi mới lớn, họ chuẩn bị bắt đầu chuyến đi nghỉ ở Texas.

Trên đường đi họ gặp một nhóm du côn gồm ba thằng, cầm đầu là Ray Marcus (Aaron Taylor-Johnson). Nhận thấy trong xe có hai người phụ nữ, bọn lưu manh cố tình chặn đầu xe và buông những lời lẽ thô thiển để gây sự với họ.

Trời lúc này đã là nửa đêm, rất khó để tìm người giúp đỡ, hơn nữa điện thoại lại mất sóng. Người chồng Tony (Jake Gyllenhaal) cố gắng giữ bình tĩnh và thỏa hiệp để bọn chúng buông tha.

Thế nhưng, bọn khốn nạn sau khi lừa được cả ba xuống xe đã bắt cóc người vợ Laura (Isla Fisher) và cô con gái India. Tony may mắn trốn thoát nhưng anh không dám quay lại giải cứu vợ con.

Tony đến sở cảnh sát vào hôm sau, ngay sau đó anh cùng viên thanh tra Bobby (Michael Shannon) đi tìm kiếm xung quanh hiện trường.

Liệu vợ và con gái Tony có còn sống ? Cảnh sát có bắt được ba tên du côn kia ? Và quan trọng hơn cả là toàn bộ câu chuyện này có liên quan gì đến Susan và Edward ? Bạn phải tự đi tìm lời giải thôi…

 

Theo ý kiến cá nhân của mình, Nocturnal Animals chỉ ở mức tạm ổn nếu bạn đề cao tính giải trí bởi nội dung phức tạp, mạch phim tương đối chậm ở phần đầu, đặc biệt là cái kết lấp lửng có thể làm bạn khó chịu.

Tuy nhiên nếu bạn đang cần một cái gì đó để gia tăng sự nhạy bén, khả năng suy luận thì đây lại là một bộ phim cực kỳ đáng để nghiền ngẫm. Nó sẽ càng trở nên thú vị hơn nếu bạn xem lại vài lần.

Cảm nhận phim

Vẫn như mọi khi, mình khuyên bạn nên xem phim trước khi đọc phần này, đặc biệt bộ phim này lại càng phải xem, thậm chí xem lại vài lần. Có rất nhiều tình tiết thú vị mà mình sẽ tiết lộ ngay bên dưới đây, bạn chỉ có thể nhận ra nó nếu tập trung khi xem, vậy nên hãy cân nhắc trước khi đọc tiếp bạn nhé.

Như bạn đã biết thì sau khi bỏ mặc vợ con cho đám du côn, Tony cực kỳ ân hận và dằn vặt bản thân. Nhờ sự giúp sức của thanh tra Bobby, Tony cũng đã có cơ hội trả thù, dù điều đó cũng đã lấy đi mạng sống của anh.

Đến cuối cùng, dù đã trả thù thành công, nhưng mình cũng không chắc rằng Tony đã thực sự trở nên “mạnh mẽ” hay chưa. Ai mà biết được rằng khẩu súng trong tay Tony cướp cò là do anh thực sự căm thù kẻ đã sát hại vợ con mình, hay chỉ đơn thuần là một hành động “lỡ tay”. Rõ ràng là chỉ vài phút trước Tony còn để hai kẻ sát nhân bỏ chạy ngay trước mặt mình trong khi anh có súng.

Dù đã thử lý giải bằng nhiều cách nhưng mình vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng cho cái kết của bộ phim.

Nocturnal Animals còn có một vài điểm tương đối khó hiểu đối với mình, chia sẻ ra đây để xem bạn có cùng thắc mắc không nhé

_ Tại sao cuốn sách của Edward lại có tên là Nocturnal Animals – Động vật về đêm ? (mình cũng không hiểu vì sao tên tiếng Việt chính thức của phim lại là Kẻ Săn Đêm).

Mặc dù có một phân đoạn Susan nói rằng Edward đặt biệt danh cho cô là “nocturnal animals” tuy nhiên nếu chỉ vì vậy mà được đặt làm tiêu đề sách thì hơi bất hợp lý. Nội dung và tiêu đề phải ăn nhập với nhau là điều mà ai cũng biết.

Theo ý hiểu của mình thì cái tên này chỉ vô tình trùng khớp với biệt danh của Susan, thực sự cái tiêu đề là để ám chỉ nhóm côn đồ đã giết vợ con của Tony. Edward nhận ra điểm tương đồng này nên anh đã sử dụng để tạo nên một ẩn dụ : Susan cũng giống ba tên kia, là những kẻ đã khiến Tony – Edward buộc phải trở nên mạnh mẽ.

_ Những người phụ nữ nhảy múa ở ngay đầu phim có đơn thuần chỉ là một màn giới thiệu ?

Còn một chi tiết nữa, đó là bức tượng một con ngựa găm nhiều mũi tên được đặt ở phòng trưng bày có ý nghĩa gì vậy ?

Hai cái này thì mình bó tay toàn tập luôn, không thể luận ra nổi.

_ Màu đỏ – một màu sắc không thường xuyên được tìm thấy trong những bộ phim “bình thường”, lại được vận dụng cực kỳ triệt để trong Kẻ Săn Đêm.

Nếu để ý một chút bạn sẽ thấy màu đỏ xuất hiện rất nhiều : bức tường phủ kín màu đỏ trong phòng làm việc của Susan, phông nền nơi những người phụ nữ khỏa thân nhảy múa trong bảo tàng, vợ và con gái Tony nằm chết trên chiếc sofa đỏ tươi, điều này thậm chí còn vô tình trùng hợp với màu chiếc ghế mà Susan nằm đọc bản thảo của Edward khi cả hai còn bên nhau (có lẽ hai cái ghế này là một).

Mình tìm hiểu được rằng màu đỏ tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của chủ sở hữu và khiến những người xung quanh phải sợ hãi, dè chừng. Mình nghĩ những dấu hiệu này đại diện cho sự sợ hãi của Edward và quyền lực của Susan. Chi tiết Sue nằm trên chính chiếc ghế nơi vợ con Tony bỏ mạng theo mình là đối với Ed thì Sue đã chết, kể từ khoảnh khắc cô bỏ đi đứa con của anh.

Và quan trọng hơn cả, đó là đoạn này mình nói lung tung đấy…

_ Một chi tiết nhỏ nhặt mà bạn phải chịu khó để ý mới có thể nhận ra, đó là tiếng thở dốc của một cô gái bí ẩn ở đầu phim và ngay trong khoảnh khắc Tony chết ở cuối phim.

Điều này rất thú vị nhưng cũng không kém phần khó hiểu. Mình hoàn toàn không thể đoán ra được ý đồ của đạo diễn.

Tạm thời chỉ có từng này thắc mắc, có thể còn một vài chi tiết nữa nhưng do mình nhất thời không nhớ ra.

Về dàn diễn viên, mình nghĩ đây sẽ là bài viết có phần bình luận về diễn viên dài nhất mà mình từng viết, mở đầu sẽ là cái tên mình rất thích – Jake Gyllenhaal.

Người đàn ông mang khuôn mặt ngáo ngơ này một lần nữa trở cái mác đảm bảo chất lượng cho tất cả các bộ phim mà anh tham gia. Những vai diễn của Jake đều được anh bộc lộ hết sức hoàn chỉnh về nội tâm nhân vật.

Lần này Jake đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước những sắc thái của hai nhân vật Ed-Tony. Một điểm độc đáo của phim khi tồn tại hai nhân vật khác nhau nhưng bản chất lại là một người.

Cái tên được nhắc đến tiếp theo sẽ là nữ chính – Amy Adams. Nữ minh tinh sở hữu một vẻ ngoài cực kỳ…cực kỳ xinh đẹp, với đôi mắt xanh sâu thẳm có thể nuốt trọn tâm hồn người đối diện.

Mặc dù Amy từng tham gia khá nhiều dự án phim nhưng đây mới là bộ phim thứ hai mình xem của cô. Lần này cô hoàn thành tốt vai trò của mình, nhưng nam chính Jake Gyllenhaal có phần lấn át bằng màn trình diễn xuất sắc của anh.

Nhân vật đáng chú ý thứ ba : chàng “Quick Silver” Aaron Taylor-Johnson. Bộ phim này thực sự là một cú hích đầy ấn tượng của anh chàng sau hàng loạt các vai diễn nhăng cuội và không có gì nổi bật.

Mình thật sự kinh ngạc về vai diễn lần này của Aaron : một thằng lưu manh, côn đồ, mất dạy theo đúng nghĩa. Anh đã thành công trong việc khiến khán giả phải ghét cay đắng và muốn đấm vỡ màn hình bởi sự khốn nạn của nhân vật Ray Marcus. Đặc biệt có một phân cảnh cực bựa của Ray mà chắc chắn bạn sẽ không-thể-nào-quên.

“Tướng Zod” trong Man of Steel – Michael Shannon cũng thể hiện tốt nhân vật thanh tra Bobby, người đã quyết định giúp Tony trả thù trong những tháng ngày cuối đời mình.

Còn một nhân vật nữa, mình nghĩ nên gọi đây là một vai khách mời thì đúng hơn, đó là Laura Linney trong vai bà mẹ của Susan. Tuy chỉ xuất hiện trong một cảnh rất ngắn nhưng cô lại một lần nữa cho thấy khả năng diễn xuất chấp tuổi tác của mình.

Bộ phim đầu tiên mình xem của cô là Primal Fear, và từ đó đến giờ dấu ấn về bà công tố viên phì phèo thuốc lá vẫn rất khó phai. Các vai diễn về sau này dù chỉ là kép phụ nhưng đều được cô thể hiện theo một cách rất riêng và chẳng thể lẫn đi đâu được.

Người cuối cùng nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phim, đó là đạo diễn – Tom Ford. Mình được biết ngoài làm phim thì nghề chính của ông là thiết kế thời trang, ông cũng từng xuất bản một vài cuốn sách. Nhìn vào cách sử dụng màu sắc, hình ảnh ẩn dụ trong Nocturnal Animals thì khán giả cũng không quá khó khăn để nhận ra con mắt nghệ thuật của người đã tạo ra nó.

Nhìn chung, Nocturnal Animals khó hiểu cùng một mạch phim chậm, nhiều hình ảnh khó hiểu nên tương đối kén người xem. Cái kết phim khá nửa vời, bản thân mình cũng chưa hài lòng với cái kết này bởi nó chưa thể hiện rõ ý đồ trả thù của người chồng. Hoặc cũng có thể là do nó quá cao siêu nên người bình thường như mình không thể nào hiểu được.

Nhưng nếu bạn thích cảm giác nghiền ngẫm, đoán già đoán non và chìm đắm vào những cảm xúc cùng các nhân vật thì đây lại là một bộ phim tuyệt vời.

Với một cốt truyện mới lạ, đan xen giữa giả tưởng và thực tế, quá khứ và hiện tại sẽ khiến bạn cảm thấy hồi hộp và chờ đón những gì diễn ra tiếp theo.

Trong thế giới phim ảnh từng có một Memento với nội dung bị chia đôi và kết hợp với tua ngược, một Gone Girl với mạch phim đi theo cuốn nhật ký của người vợ, một The Usual Suspects với toàn bộ câu chuyện được kể bởi nhân vật chính thì bây giờ chúng ta đã có thêm Nocturnal Animals với cách triển khai nội dung độc đáo không kém.

Bonus : thời điểm mình đang hoàn thành bài viết này thì bất ngờ đúng lúc Nortunal Animals được chiếu trên HBO. Tất nhiên là những cảnh mà bạn-cũng-biết-đấy đã được cắt bỏ, điều này hoàn toàn hợp lý. Nhưng đáng ngạc nhiên là cảnh cô con gái India giơ ngón tay giữa về phía đám du côn cũng bị cắt. Có vẻ như bộ phim nào trình chiếu trên TV ở Việt Nam cũng đều phải trở nên ” nghiêm túc” hơn.

Bài viết này sẽ kết thúc ở đây, ban đầu mình cũng không nghĩ là nó sẽ dài đến thế này cho đến khi mình xem lại lần 2 và phát hiện ra khá nhiều điểm thú vị. Hãy tiếp tục ghé thăm Viết Gì Đây để tìm hiểu về những bộ phim hay ho khác bạn nhé !

À mà nếu bạn đang cần tìm một chỗ để chém gió về phim ảnh thì join vào group Thích Xem Phim đi, link mình để kia rồi nhé.

6 BÌNH LUẬN

  1. Kể mà có sự so sánh rõ ràng hơn thì dễ hiểu hơn. Edward = ng chồng, Susan = ng vợ, còn cái thai bị phá = đứa con gái. Chồng mới của Susan sẽ tương đương với Ray. Nó như lời nhắn với Susan, rằng cô ta và cái thai bị phá, đối với Edward, đều là đã chết như nhau. Và thằng chồng mới chắc chắn đã “thịt” Susan, trước khi Susan thực sự chia tay với chồng hiện tại, nên theo như tưởng tượng của Edward, nó sẽ giống như thằng kia đang hiếp cả vợ và con gái mình vậy.
    Nên quyển sách vừa như một lời nhắn, và lời nhắn này có thể có 2 mục đích:
    – 1 là làm cho Susan dằn vặt, đau khổ vì điều đã làm trong quá khứ. Sau đó tiếp tục dày vò con tim cô ta bằng việc hẹn gặp nhưng không đến, thể hiện rõ sự khinh bỉ.
    – 2 là đe dọa sẽ làm điều tương tự với chồng mới của Susan, giống như những gì mà thằng chồng râu xồm đã làm với Ray.

  2. Mình có thấy chi tiết cuối phim sau khi 2 ng hẹn gặp nhau và Susan tới thì đợi k thấy Ed tới. Tsao lại vậy. Mình thắc mắc vì lúc gửi bản thảo thì Ed có nói nếu Susan có thgian thì gặp mà.

    • để ý cảnh cuối có cảnh mí mắt dưới bên phải của nữ chính giật giật, mình có tìm hiểu thì cái này vừa thể hiện tinh thần 1 người trong giai đoạn mệt mỏi, cũng ám chỉ sự kết thúc của 1 mối quan hệ tình cảm, nên mình đoán Ed cố tình ko đến để ám chỉ mối quan hệ giữa Ed và nữ chính lúc này đã hoàn toàn chấm dứt, và nữ chính cảnh cuối đã nhận đc tín hiệu (mí mắt phải dưới giật giật) và có thể đã hiểu đc

  3. Mình có thể giải thích thêm về hình ảnh những người đàn bà trần truồng và con ngựa găm nhiều mũi tên (theo cách hiểu đơn giản của mình):
    – Về hình ảnh những người đàn bà trần truồng đầu phim: Susan ngồi thẫn thờ ở giữa. Bộ phim đã gợi mở về những sự thật trần truồng xấu xí mà chính nhân vật Susan chứa đựng ở đó mặc dù cho ngoại hình là 1 sự hào nhoáng. Toàn bộ sự ghê tởm đó được bảo vệ dưới 1 vỏ bọc là một cuộc triển lãm (Phản ánh đúng chân thực hiện tại của Susan).
    – Về hình ảnh con ngựa găm mũi tên: Một cách chơi chữ trong tiếng Anh. Horse – và con đ* – whore. Hơn 1 lúc nào hết Susan khi nhớ lại về những việc mình đã làm (hoặc ít nhất là Edward thể hiện qua ngòi bút), cô cảm thấy mình hiện tại thật dơ bẩn và bị công kích bằng những nỗi đau của sự thật, của sự cô độc (chính là những mũi tên). Thêm nữa “đâm trúng tim đen” – người nước ngoài cũng có quan niệm tương tự như vậy – và con ngựa màu đen 😀

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Viết tên của bạn tại đây