Up In The Air dựa trên một ý tưởng kỳ quặc : tại một thời điểm nào đó, chắc chắn không phải bây giờ, các cơ quan bắt đầu cần đến một vài công ty trung gian đảm nhiệm vai trò sa thải. Tức là các nhân viên của công ty này được trả tiền chỉ để hét vào mặt người khác là mày đã bị đuổi việc.
Vì công ty kia có khách hàng gần như trên khắp thế giới nên các “nhân viên sa thải” phải di chuyển thường xuyên bằng máy bay. Nhân vật chính của chúng ta – Ryan Bingham là một người như vậy, anh ta rong ruổi khắp nơi, sử dụng cái mồm của mình để kiếm sống và chỉ ở nhà đúng 43 ngày/năm. Có thể nói đối với anh ta thì sân bay là nhà và máy bay là kim chỉ nam.
Trong thời gian này Ryan cũng quen được một phụ nữ tên Alex, một người cũng rất thích những chuyến bay. Họ đã có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau.
Cho đến một ngày, một nữ nhân viên mới gia nhập vào công ty – Natalie Keener đề xuất phương án “sa thải qua màn hình máy tính” nhằm cắt giảm chi phí đi lại. Tất nhiên là Ryan không đời nào đồng ý điều này.
Anh cố gắng chứng minh cho hội đồng quản trị thấy rằng phương pháp này không hiệu quả, và thực tế cũng đúng là như vậy. Chả ai chịu đựng được cái cảm giác sau bao nhiêu năm cống hiến cho một tổ chức lại bị đá ra đường thông qua một cái màn hình vô tri vô giác cả.
Công ty cho phép Ryan tiếp tục công việc theo cách truyền thống, với điều kiện là phải đưa cô nàng nhân viên mới đi học việc cùng.
Cuộc đời Ryan rồi sẽ đi về đâu khi anh cứ lạc trôi mãi như vậy ?
Nội dung phim
Về cơ bản thì mọi mặt của Up In The Air đều tương đối tốt, đặc biệt là kịch bản cực dị và phần trình bày hài hước của dàn diễn viên. Chỉ có một yếu điểm là diễn biến tương đối dàn trải, một vài phân đoạn khá lan man, như kiểu chỉ để cho đủ thời lượng và nếu không nhờ khả năng chém gió của George Clooney thì có lẽ mình đã tắt đi.
Bên cạnh mặt nội dung và diễn xuất thì phần thoại là một điểm mình đánh giá cao ở Up In The Air. Không biết George Clooney có tự viết lời thoại hay không mà mình thấy ông này nói câu nào cũng thấm.
Có một phân cảnh đáng nhớ là khi Ryan được nhận chiếc thẻ khách hàng “có một không hai” từ hãng hàng không, khuôn mặt anh thẫn thờ, anh nhận ra rằng nó không đáng mừng như anh nghĩ.
Điều đó gợi cho mình một suy nghĩ khá buồn: liệu có khi nào mục tiêu mà con người ta theo đuổi cả đời lại không ý nghĩa như ta tưởng? Thực tế là ai trong số chúng ta cũng đều có những cái đích riêng để phấn đấu, nhưng việc có đi được đến tận cùng và nó có thật sự cần thiết thì không ai trả lời được cả.
Sự thật này quả thực khiến một người mới chỉ 20 như mình cảm thấy hoang mang vô định về tương lai, về con đường mà nếu như không bật đèn pha lên thì chả nhìn thấy gì.
Up In The Air cũng phản ánh một thực trạng đắng lòng về dân văn phòng, đó là cống hiến không biết mệt mỏi sau bao năm nhưng vẫn có thể bị đá như một lon coca hết nước bất cứ lúc nào.
Ngoài những yếu tố trên thì phim có một cái kết khá nhức nhối. Thì ra là Alex đã kết hôn, cô chỉ coi Ryan như một điểm dừng chân tạm thời vào những lúc cô cảm thấy mệt mỏi với đời sống hôn nhân.
Đắng lòng là ở chỗ vào đúng thời điểm Ryan nhận ra con đường mình đang đi sẽ chẳng tới đâu, anh muốn có một ai đó kề bên, thì sự thật này lại phơi bày trước mắt.
Ở cuối phim, Ryan vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình, nét khiên cưỡng thoáng hiện diện trên khuôn mặt. Có lẽ anh đã nhận ra mình chẳng còn trong tay, ngoài những chuyến đi không hồi kết.