HomeList15 bộ phim hay nhất của "cao bồi già" Clint Eastwood

15 bộ phim hay nhất của “cao bồi già” Clint Eastwood

Giới thiệu phim

Huyền thoại sống của Hollywood, gặt hái được mọi thứ trong sự nghiệp đồ sộ của mình nhưng vẫn miệt mài cày cuốc và không có dấu hiệu nghỉ hưu dù đã ở cái độ tuổi mấy ai giữ được sự minh mẫn. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong số ít những cái tên trong lịch sử điện ảnh thành công trên cả vai trò đạo diễn và diễn viên. Dưới đây là 15 bộ phim hay nhất của Clint Eastwood.

The Good, the Bad and the Ugly

Được quần chúng ghi nhận là một trong những bộ phim hay nhất từng được làm ra và là một biểu tượng của “tài tử” thay vì “đạo diễn” Clint Eastwood. Vẻ mặt với biểu cảm nhăn nhó cùng điếu thuốc phì phèo của ông đã được xem là chuẩn mực của dòng phim viễn tây.

Câu chuyện xoay quanh ba người đàn ông: một ngay thẳng thức thời, một cáo già quỷ quyệt, một khôn lỏi lươn lẹo. Tất cả dù không liên quan đến nhau nhưng đều có chung một mục tiêu, đó là săn tìm một kho báu có thể thay đổi cuộc đời họ mãi mãi.

Unforgiven (1992)

Siêu phẩm về đề tài báo thù và là bộ phim viễn tây thành công nhất mà nhà làm phim gạo cội từng chỉ đạo. Tác phẩm cũng đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa hai huyền thoại là Clint Eastwood và Morgan Freeman, trước khi họ làm điều đó thêm lần nữa vào năm 2004.

Khán giả sẽ được theo chân William Munny, một sát thủ đã quy về ở ẩn tại một nông trại lên đường thực hiện nhiệm vụ cuối cùng: trả thù cho một cô gái làng chơi bị tấn công hung bạo bởi một tên cao bồi. Trên con đường truy tìm công lý của mình, thách thức đối với Munny không chỉ là kẻ đã gây ra tội ác, nó còn đến từ tên thị trưởng đứng trên cả pháp luật của thị trấn nọ.

Million Dollar Baby

Đây là cái tên đã đưa cụ già chín chục tuổi lên đỉnh vinh quang thêm một lần nữa và cũng là bộ phim mình tâm đắc nhất của ông, với sự kết hợp hài hoà giữa cốt truyện toàn diện, diễn xuất tuyệt vời cùng dư âm dai dẳng. Triết lý làm nên bản sắc của Clint Eastwood được thể hiện rõ ràng nhất trong Million Dollar Baby, đó là sự giằng xé trong việc tìm ra câu trả lời đúng.

Cuộc hành trình khởi nguồn từ bước chân của một cô gái trẻ mang trong mình tham vọng trở thành võ sĩ quyền anh tới bái sư một ông thầy già nua khó tính, người ban đầu miễn cưỡng nhận huấn luyện cô nhưng mối quan hệ của hai cả dần trở thành một thứ còn lớn lao hơn thế.

Gran Torino (2008)

Cùng với Unforgiven và Million Dollar Baby, Gran Torino là một trong những bộ phim mà mình thích nhất của “cao bồi già” trên cương vị đạo diễn. Tác phẩm đặc biệt xuất sắc khi theo đuổi một đề tài nhạy cảm nhưng cách thức truyền tải thì mang đến những tràng cười nham nhở cùng bài học nhẹ nhàng dễ thấm.

Nhân vật chính có nét tương đồng với Unforgiven, khi mà Walt Kowalski là một cựu binh từng tham gia chiến tranh Triều Tiên, người hiện đang tận hưởng sống cuộc sống bình lặng cùng thú chơi xe cổ của mình. Điểm khác biệt lớn nhất so với William Munny là ông này có tính khí cáu bẳn đến độ con cháu cũng phải xa lánh. Cho đến một ngày nọ, một gia đình người châu Á chuyển đến sống tại khu phố, mang đến cả đống rắc rối cho ông già vốn chỉ muốn được yên thân.

Changeling (2008)

Bên cạnh Million Dollar Baby, đây là lần hiếm hoi phim của Clint Eastwood có nhân vật chính là một phụ nữ, và tiếp tục mang đến một trải nghiệm nghiệt ngã không kém lần trước. Changeling có sự xuất hiện của Angelina Jolie trong vai trò nữ chính và đây vẫn là một trong những tác phẩm hay nhất của cô.

Nội dung phim xoay quanh một người mẹ đơn thân vô tình bị lạc mất cậu con trai nhỏ tuổi. Nhiều tháng trôi qua, những hy vọng tưởng chừng như đã tắt giờ đây lại được thắp lên khi cảnh sát thông báo đã tìm được cháu bé. Tưởng chừng người phụ nữ tội nghiệp sẽ chìm đắm trong hạnh phúc và bi kịch kết thúc ở đây nhưng bước ngoặt bất ngờ xuất hiện: đứa trẻ đó không phải con của cô.

Mystic River (2003)

Bộ phim có nội dung trớ trêu như đời này rất dễ gây ra cảm giác bứt dứt sau khi nó khép lại, với sự toàn diện dàn trải trải trên cả hai khía cạnh là câu chuyện và diễn xuất, biến nó trở thành một trong những tác phẩm thành công nhất trên vai trò đạo diễn của Clint Eastwood.

Mầm mống của câu chuyện đau lòng này đã tồn tại từ rất lâu, nhưng nó chỉ thực sự vỡ ra vào thời điểm cả ba người bạn nhỏ năm nào nay đã trưởng thành. Một người trong số họ bị mất đi cô con gái, người thứ hai chính là cảnh sát điều tra vụ việc, và mọi nghi ngờ bị đổ dồn lên người còn lại.

American Sniper

Tác phẩm chính kịch tuy có thời lượng khá dài dòng và cũng không xuất hiện nhiều điểm nhấn nhưng ngài Eastwood vẫn biết cách cài cắm một vài chi tiết có sức nặng ở đoạn kết để khán giả phải nhớ đến.

Câu chuyện có thật đưa khán giả theo chân một xạ thủ được đánh giá là huyền thoại của bộ môn khó nhằn này, với chiến tích lẫy lừng về số lượng nhân mạng mà anh đã tiêu diệt, cùng với đó là những vết sẹo không bao giờ lành mà chiến trường để lại trong tâm hồn người lính.

Sully (2016)

Bộ phim gần đây nhất và cũng có thể là lần cuối cùng thực sự được đánh giá cao của cụ già huyền thoại cao bồi già. Khá giống với American Sniper, dù có nội dung đơn giản nhưng Sully vẫn chứng tỏ được sự hiệu quả của mình.

Câu chuyện dựa trên một sự kiện hàng không khá nổi tiếng về trường hợp của một cơ trưởng quyết định hạ cánh máy bay ngay trên mặt nước chỉ vài phút sau khi cất cánh vì sự cố bất ngờ. Chuyện sẽ cực kỳ nhạt nhẽo nếu không phải vì ông bỗng dưng bị chất vấn như một tội đồ chỉ ít lâu sau khi được ca ngợi như người hùng.

Dirty Harry (1971)

Cùng với Thiện, Ác, Tà thì đây chính là tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của Clint Eastwood trong vai trò diễn viên. Thành công của Dirty Harry lớn đến nỗi đã có tới bốn bộ phim theo sau nó, với nhân vật chính cùng tên vẫn được giữ nguyên.

Phim đưa khán giả đi theo hành trình của Harry “bẩn thỉu”, một viên cảnh sát nổi tiếng cứng rắn trên đường truy tìm một kẻ tự xưng là “Scorpio Killer” đang đe doạ an ninh của thành phố San Francisco.

A Fistful of Dollars

Tác phẩm mở màn cho bộ ba phim cao bồi Ý của đạo diễn gạo cội Sergio Leone, dù chất lượng của A Fistful of Dollars không bằng hai cái tên còn lại nhưng vẫn là một khởi đầu tuyệt vời. Điểm thú vị của trilogy này là dù Clint Eastwood đều xuất hiện nhưng nhân vật và câu chuyện của ba phần phim đều không liên quan đến nhau.

Lấy bối cảnh một thị trấn thời nội chiến Hoa Kỳ, nơi hai băng đảng đối địch tranh giành quyền kiểm soát, với nhân vật chính của chúng ta là một tay súng vô danh chẳng may bị cuốn vào cuộc xung độ.

For A Few Dollars More

Bộ phim thứ hai của loạt phim cao bồi kinh điển có nội dung xuất sắc hơn phần trước, đặc biệt đáng xem đối với bất cứ khán giả nào yêu thích dòng phim súng đạn khói bụi này.

Câu chuyện lần này kể về hai tay súng có hai mục tiêu khác nhau nhưng lại hợp tác cùng nhau để truy tìm kẻ thù chung, một tên cướp khét tiếng người Mexico.

A Perfect World (1993)

Một trong những tác phẩm thú vị nhất nhưng đồng thời cũng ít được biết đến nhất của “già gân”, A Perfect World là một cái tên đáng để thưởng thức nếu bạn thích những Mystic River hay Changeling.

Phim kể về cuộc gặp gỡ định mệnh cùng mối quan hệ gắn bó kỳ lạ giữa hai con người chẳng liên quan gì đến nhau: một cậu bé và kẻ đã…bắt cóc cậu. Nhưng dù thế nào đi nữa, kẻ có tội vẫn phải chịu trách nhiệm trước công lý.

Letters From Iwo Jima

Vào năm 2006, Clint Eastwood cho ra mắt hai tác phẩm về chiến tranh, với cái tên đầu tiên có chất lượng trung bình là Flags of Our Fathers, còn bộ phim còn lại, hay hơn, là Letters From Iwo Jima. Bộ đôi này cùng kể về cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong thế chiến thứ hai, nhưng được đặt dưới hai góc nhìn đến từ cả hai phe.

Với tác phẩm này, phim đưa khán giả đến với “sân nhà” của những người lính Nhật cùng đôi dòng tâm sự của họ chỉ một khoảng thời gian ngắn trước khi bị khuất phục hoàn toàn bởi quân Mỹ.

Escape From Alcatraz (1979)

Dựa trên một câu chuyện có thật từng gây chấn động nước Mỹ và được cả thế giới biết đến cũng như bàn tán cho đến tận ngày nay, Escape From Alcatraz vẫn là một trong những bộ phim hay nhất về tù nhân từng được tạo ra.

Bối cảnh sự kiện xảy ra tại nhà tù Alcatraz năm 1962, nơi được cho là một khi bị tống vào thì có mọc cánh cũng không bay ra được. Ấy vậy mà ba tên tội phạm cùng một kế hoạch bài bản và vài dụng cụ thô sơ lại đang muốn chứng minh điều ngược lại.

The Bridges of Madison County

Bộ phim cuối cùng trong danh sách này không theo đuổi những đề tài thường thấy của cụ đạo diễn, mà đây lại là một bộ phim tình cảm. Ngoài ra thì tác phẩm còn có sự góp mặt của minh tinh màn bạc Meryl Streep và đây cũng là lần duy nhất mà hai tên tuổi gạo cội của Hollywood làm việc chung.

Câu chuyện về cuộc tình vụng trộm ngắn ngủi giữa một bà nội trợ cùng một nhiếp ảnh gia đều đã có gia đình nhưng cảm thấy thiếu một thứ gì đó trong đời mình.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments

Người từng bị té xe may là không chết on Giải thích phim Triangle (2009) – Tam Giác Quỷ