More
    HomePhimInside Out : những xúc cảm bên trong mỗi con người

    Inside Out : những xúc cảm bên trong mỗi con người

    Xuất bản vào

    spot_img

    Inside Out sở hữu một ý tưởng độc đáo và đắt giá: hình tượng hóa những cảm xúc bên trong con người thành các nhân vật có thể nắm bắt được.

    Dưới bàn tay tài hoa của Peter Doctor, nhà làm phim hoạt hình lừng danh từng tham gia vào hàng loạt siêu phẩm như Up, Wall E hay Toy Story, cả một thế giới đầy màu sắc bên trong bộ não con người đã được thêu dệt nên, đặt trên nền móng là những nguyên tắc và quy luật cực kỳ hợp lý và logic.

    Không có lý do gì để bạn bỏ lỡ Inside Out cả, kể cả khi không thích xem hoạt hình cho lắm thì mình vẫn khuyên bạn nên thử qua phim này.

    Riley vừa mới chào đời, cảm xúc đầu tiên đã được hình thành trong bộ não cô bé, đó là Vui Vẻ (Joy). Mọi chuyện sẽ thật tuyệt vời nếu chỉ có mỗi Vui Vẻ nắm quyền kiểm soát, đơn giản là vì ai mà chẳng thích thoải mái dễ chịu. Mà cuộc sống thì không dễ dàng như vậy, khi mà Buồn Bã (Sadness) xuất hiện chỉ ít giây sau.

    Não bộ ngày một chật chội hơn khi có thêm sự xuất hiện của 3 nhân tố mới là Sợ Hãi (Fear), Chán Ghét (Disgust) và Giận Dữ (Anger). Mỗi người đều đảm nhiệm một chức năng phục vụ cho cô chủ bé nhỏ của mình. Riley lớn dần lên, cũng đồng nghĩa với việc bộ não ngày càng phát triển.

    Cho đến một ngày nọ, sóng gió đầu tiên ập tới: Riley phải chuyển nhà. Những sắc thái cảm xúc bắt đầu trở nên bối rối trước việc thích nghi với một môi trường mới.

    Mọi chuyện càng thêm phần rắc rối khi Vui Vẻ và Buồn Bã bị văng ra khỏi Đầu Não do một sự cố đáng tiếc, đồng nghĩa với đó là chỉ còn các cảm xúc tiêu cực nắm quyền kiểm soát. Liệu Vui Vẻ và Buồn Bã có thể trở về và Riley sẽ lại như xưa?

    Nội dung phim

    Có một sự ngạc nhiên không hề nhẹ khi mình nhận ra rằng bộ phim hay nhất mọi thời đại về bộ não con người lại là phim hoạt hình.

    Để làm nên thành công rực rỡ này, nhà làm phim đã phải tham khảo ý kiến của rất nhiều nhà tâm lý học. Thiết nghĩ các trường đại học giảng dạy bộ môn tâm lý nên đưa Inside Out vào giáo trình của họ.

    Tất cả mọi thứ diễn ra trong phim đều được quy ước một cách rõ ràng và bài bản, rất tự nhiên chứ không hề bị chồng chéo lên nhau, đủ để thấy được tâm huyết và mồ hôi nước mắt của những người đã nặn ra nó. Cần phải đi lần lượt từ đầu để thấy rõ sự thú vị của siêu phẩm này.

    – Ở thuở khai sinh ban đầu, Vui Vẻ là thứ đầu tiên xuất hiện, rồi sau đó đến Buồn Bã. Cái bảng điều khiển lúc mới ra đời cũng chỉ có đúng một nút bấm. Các cảm xúc khác như Chán Ghét, Giận Dữ và Sợ Hãi chỉ được hình thành khi nhận thức của chúng ta đã trở nên rõ ràng hơn.

    – Cảm xúc luôn gắn liền với ký ức, bất kể chúng ta còn bé hay đã trưởng thành. Đây là nền tảng của cả bộ phim.

    – Mọi cảm xúc đều rất quan trọng, chẳng có cái gì là vô dụng cả. Đơn cử như trường hợp của Sợ Hãi chẳng hạn. Thanh niên tưởng chừng như chỉ để làm cảnh này thực tế lại cực kỳ có ích, bởi anh ta sẽ giúp Riley tránh được những mối đe dọa nguy hiểm.

    – Bạn có thể thấy không chỉ trong bộ não của Riley mà các nhân vật khác cũng đều có sự tập hợp của 5 cá thể như vậy. Nhân tiện, chị em phụ nữ khi buồn phiền chuyện chồng con thường nghĩ đến những soái ca. Còn đàn ông khi mất tập trung, lơ đãng thì có thể là anh ta đang nhớ đến một trận bóng nào đó mà thôi.

    – Cũng trong cảnh phim ngắn này, ta có thể thấy được não của những vị phụ huynh – những người đã trưởng thành – ổn định hơn nhiều so với cảm xúc của con trẻ. Ngay khi có một vấn đề nào đó xảy ra, họ sẽ xử lý rồi lấy lại cân bằng nhanh chóng chứ không “nhốn nháo” như một cô bé mới 12 tuổi.

    – Dù đều có sự xuất hiện của 5 cá thể nhưng bên trong mỗi con người, vị sếp lại là một nhân vật khác nhau. Nếu như boss của Riley là Vui Vẻ thì bà mẹ là Buồn Bã, còn với ông bố là Giận Dữ.

    – Vui Vẻ sẽ luôn vui vẻ, Buồn Bã sẽ mãi buồn bã, và cứ như vậy đối với cả 3 thanh niên còn lại. Điều này lý giải cho việc vì sao Vui Vẻ lúc nào cũng lạc quan dù cho có gặp khó khăn, Buồn Bã luôn ỉu xìu và tìm cách chạm vào các quả cầu, rồi sau đó lại xin lỗi, ông bác Giận Dữ thì lúc nào cũng muốn giành quyền điều khiển với cái đầu bốc lửa của mình, đơn giản vì đó là hành động bản năng.

    – Có một cái trụ là nơi đặt “ký ức lõi”, các quả cầu phát sáng hơn mức bình thường, đó chính là những ký ức quan trọng nhất của Riley cũng như bất kỳ ai trong số chúng ta.

    – Mỗi ký ức lõi tạo ra một hòn đảo, đó có thể là trò đùa thuở nhỏ, lần ghi bàn đầu tiên, những lần chơi đùa cùng bạn bè,…điều này định hình nên một Riley độc đáo và duy nhất.

    – Các hòn đảo dù có sụp đổ nhưng nếu còn ký ức lõi, vẫn có thể tái thiết lại. Tuy nhiên nếu ngay cả những ký ức lõi cũng bị mất thì khổ chủ chỉ còn một cách là tìm lại nó ở ngoài đời thực, như trong trường hợp của Riley thì cô bé suýt chút nữa đã phải quay về nhà cũ của mình.

    – Các quả cầu mang nhiều màu sắc khác nhau, nhưng bên cạnh 5 sắc thái trên chúng ta vẫn còn một màu nữa, đó là đen. Màu đen xuất hiện khi những ký ức đang chìm dần vào quên lãng. Rất hợp lý bởi bộ não con người không “nhồi” tất cả những gì nó nhận được.

    – Thế nhưng não người đôi khi vẫn lưu trữ cả những thứ rất vô nghĩa, kiểu như đoạn phim quảng cáo kẹo cao su được nhai đi nhai lại vậy.

    – Quả màu vàng chưa hẳn đã vàng, quả màu xanh không hoàn toàn xanh, đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn đi một chút.

    – Ban đầu ký ức lõi chỉ toàn là niềm vui, nhưng về sau nó còn lưu trữ các cảm xúc khác nữa, tạo nên sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.

    Người bạn giả tưởng Bing Bong của Riley có thể khóc, có thể cười, có thể làm đủ thứ trò, không tuân theo bất kỳ quy luật nào bởi nó bắt nguồn từ trí tưởng tượng của cô bé, không bị bó buộc như 5 sắc thái cảm xúc.

    – Vực Lãng Quên, Xưởng Phim Giấc Mơ, Con Tàu Tư Duy cho đến Vùng Tối Của Tiềm Thức đều là những phần không thể thiếu của bộ não, được nhà làm phim khắc họa rất sát so với thực tế.

    – Khi Riley 12 tuổi, bộ não của cô được “upgrade” lên một phiên bản cao cấp, mà cụ thể ở đây là cái bảng điều khiển giờ đây đã bớt chật trội hơn. Những sắc thái cảm xúc trở nên đa dạng và phong phú hơn.

    – Và cuối cùng: cuộc đời không phải cứ vui thì là tốt, nhưng tốt nhất là cứ nên vui.

    Để có thể nhét được từng này thứ vào trong một bộ phim cần đến một kịch bản có độ xuyên suốt và sự tinh tế cao, nếu không thì mọi thứ sẽ rất thô cứng, chẳng khác gì phim tư liệu trên National Geographic.

    Chỉ bằng một câu chuyện đơn giản có thể tóm tắt trong đúng một câu: Riley chuyển nhà. Ấy vậy mà nhà sản xuất đã vẽ vời ra được cả một cuộc thám hiểm vào bên trong bộ não con người. Đúng là cao thủ.

    Bên cạnh phần nội dung mà mình đã phải tốn khá nhiều chữ, Inside Out còn ghi điểm ở nhiều khía cạnh khác nữa. Đầu tiên phải kể đến là khâu tạo hình nhân vật, đặc biệt là 5 sắc thái cảm xúc nhìn rất ngộ nghĩnh đáng yêu, nhất là Vui Vẻ.

    Kế đến chính là phần lồng tiếng. Các giọng nói trong phim đều rất truyền cảm và khớp với nhân vật của mình: Vui Vẻ lanh lảnh, Buồn Bã trầm đục, Chán Ghét đanh đá, Sợ Hãi run rẩy và Giận Dữ gầm gừ.

    Màu sắc phim tươi sáng, nhạc phim bắt tai cũng là điểm cộng của Inside Out.

    Với từng này thứ đã thể hiện, một tượng vàng cho phim hoạt hình xuất sắc nhất là hoàn toàn xứng đáng.

    Bài viết mới nhất

    7 câu nói hay trong A Beautiful Mind về tâm trí

    Giống với Good Will Hunting, bộ phim này dường như là cái tên được...

    9 câu nói hay trong Saving Private Ryan về sự hy sinh

    Một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất về Thế chiến thứ...

    7 câu nói hay trong Boyhood về cuộc đời

    Tác phẩm nổi tiếng với việc được quay trong thời gian thực, kéo dài...

    13 câu nói hay trong Watchmen về xã hội

    Cùng với V for Vendetta, đây có lẽ là tác phẩm khai thác các...

    Bài viết tương tự

    Phim giống The Pursuit of Happyness mà bạn nên xem

    Một trong những điểm cộng lớn của tác phẩm nổi tiếng có nội dung...

    Phim giống The Shawshank Redemption mà bạn nên xem

    Tác phẩm điện ảnh nhận được số điểm cao nhất trên trang dữ liệu...

    Phim giống The Truman Show mà bạn nên xem

    Là cái tên rất được lòng khán giả, cũng dễ hiểu khi mà tác...

    Phim giống The Matrix mà bạn nên xem

    Được đánh giá là một siêu phẩm khoa học viễn tưởng ngay từ khi...

    Phim giống Inception mà bạn nên xem

    Là một trong những siêu phẩm giả tưởng được biết đến rộng rãi nhất...

    Phim giống Memento mà bạn nên xem

    Tác phẩm khét tiếng của Christopher Nolan, vẫn luôn giữ một vị trí cao...