Review sách
Chủ Nghĩa Khắc Kỷ (tiêu đề tiếng Anh: A Guide to the Good Life) của tác giả William B. Irvine là cuốn sách tốt nhất hiện nay dành cho người mới tìm hiểu về triết lý khắc kỷ cùng những ứng dụng của nó trong đời sống thường ngày, bằng các kỹ thuật tâm lý đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao. Đây cũng là quyển sách mà mình đã dùi mài kinh sử trong đợt dịch vừa rồi, kể cũng hợp với bối cảnh.
Sơ lược một chút về chủ nghĩa khắc kỷ. Đây là trường phái triết học hiếm hoi có tính ứng dụng rất cao, không phải thứ được vẽ vời ra bởi một cái đầu mộng mơ và thoát ly thực tế như một số loại triết lý khác.
Nguyên tắc căn bản của triết học khắc kỷ là làm sao cho người áp dụng có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống an nhiên tự tại, tránh xa những thứ phù phiếm mà vẫn có thể đạt được các thành tựu lớn trong đời. Trong một xã hội quá ồn ào với nhiều thứ phải theo đuổi, người này nhìn vào người kia để sống thì chủ nghĩa khắc kỷ rõ ràng là một liều thuốc bổ cho tinh thần.
Chưa bàn đến phần nội dung, cuốn sách mở đầu bằng một lời tựa cô đọng và giàu ý nghĩa
Tưởng nhớ Charlie Doyle, người đã dạy tôi giữ bình tĩnh khi ở trên thuyền ngay cả khi tôi không chèo thuyền
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã phản ánh được trọn vẹn nội dung sách rồi.
Chủ Nghĩa Khắc Kỷ được chia làm 4 chương: sự hình thành, các kỹ thuật tâm lý, lời khuyên của các nhà khắc kỷ và cuối cùng là ứng dụng trong cuộc sống hiện đại.
Chương 1 bàn về cội nguồn của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ cũng như các triết gia nổi tiếng nhất của trường phái này, đồng thời đề cập tới một vài trường phái khác tồn tại cùng thời. Ví dụ như chủ nghĩa Yếm thế, thứ triết lý buộc người theo đuổi nó phải ăn vận những kẻ ăn mày, sống vạ vật ngoài đường và phải từ bỏ mọi khát vọng có giá trị trong đời. Gọi là Chủ Nghĩa Khắc Khổ cũng hợp lý.
Chương 2 đi sâu vào các kỹ thuật tâm lý của chủ nghĩa khắc kỷ và cũng chính là phần cốt lõi nhất của trường phái này. Nghe thì có vẻ cầu kỳ nhưng thực ra lại khá đơn giản bởi cũng chỉ có vài điều cần nhớ. Qua chương này, bạn hiểu được cách để trút bỏ kha khá gánh nặng trong cuộc sống bộn bề ngày nay qua sự diễn giải logic của tác giả.
Chương 3 là lời khuyên của các nhà khắc kỷ về những tình huống mà con người có thể trải qua và bí quyết để đương đầu với nó. Chương này quan trọng cũng không kém chương 2 bởi những gì mà nó đề cập rất gần gũi và thiết thực, ví dụ như cách xử lý cơn giận giữ, cảm giác đau buồn hay đối diện với lời lẽ lăng mạ, chỉ trích. Đều là những điều gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự bình thản trong mỗi con người.
Chương 4 khép lại cuốn sách bằng sự hiện diện của chủ nghĩa khắc kỷ trong thời đại ngày nay, cách vận dụng nó thật hiệu quả cùng một vài sự suy xét về những điều mà có thể bạn còn đang lăn tăn trong lý thuyết từ các chương trước, bằng kinh nghiệm thực hành lâu năm từ chính tác giả.
Mặc dù có một vài đoạn tương đối rườm rà và kể lể, lược bớt được đi thì tốt, nhưng nhìn chung thì Chủ Nghĩa Khắc Kỷ là một cuốn sách dễ đọc và dễ thấm. Bạn không cần phải là một nhân vật lỗi lạc như Marcus Aurellius để có thể thấu hiểu những gì sách muốn truyền tải.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về triết học khắc kỷ, Suy Tưởng và Nghệ Thuật Sống là mảnh ghép còn lại mà bạn nên tìm đọc. Tuy nhiên, đối với những dòng sách kiểu này thì chỉ cần ngâm cứu thật kỹ mức cơ bản rồi cố gắng áp dụng là cuộc sống đã trở nên rất tuyệt vời rồi.
Suy cho cùng, bất kỳ triết lý nào cũng đều sẽ tồn tại những điểm hạn chế, tỉ dụ như sống giữa thời đại này mà không thèm đếm xỉa dù chỉ một chút đến tiền bạc hay địa vị thì quả là điều không tưởng. Việc cần làm chỉ là khai thác những điểm tốt, học theo và tận hưởng cảm giác bình thản.