Giới thiệu phim
Hãy thử tưởng tượng bạn là một sát thủ. Một ngày đẹp trời nọ, người mà bạn phải thủ tiêu lại chính là…bạn trong tương lai, bạn sẽ làm gì khi mà gã kia không hề muốn chết còn bạn thì chả muốn gặp rắc rối. Cơ bản thì đó là những gì diễn ra trong Looper – Sát Thủ Xuyên Không.
Đề tài time travel vốn đã bị các nhà làm phim “vắt sữa” một cách quá triệt để, may mắn là Looper vẫn tạo được dấu ấn riêng.
Nếu như John trong Predestination về quá khứ để tự dàn xếp cuộc đời mình, Evan trong The Butterfly Effect sử dụng năng lực để sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ, hay Hector trong Timecrimes ra sức xây đắp cái vòng luẩn quẩn thì Joe của Looper cũng rơi vào tình cảnh không kém phần éo le.
Dàn diễn viên với nam chính là thanh niên đen đủi “500 day of summer” Joseph Gordon-Levitt, đồng hành cùng anh là Bruce Willis và Emily Blunt.
Nội dung phim không quá phức tạp, nếu không muốn nói là tương đối đơn giản so với những tiền bối đi trước. Điếm cộng là Looper sở hữu một cái kết khá bất ngờ, bạn hãy tự mình khám phá nhé.
Cảm nhận phim
Một số phân đoạn mà nếu bạn không để ý thì sẽ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Điển hình là ở phút thứ 31, đoạn này thực chất hồi tưởng lại thời trẻ của Joe già, nghe có vẻ xoắn nhỉ.
Nói thế này cho dễ hình dung : Joe trẻ là Joe 1, Joe già là Joe 2. Khi Joe 2 còn trẻ ông ta từng phải giết một phiên bản trước đó của mình (Joe 3), tất nhiên là vụ thủ tiêu này thành công, vậy nên bạn có thể thấy cuộc sống diễn ra sau đó của ông ta.
Joe 2 đến Trung Quốc, có một cô vợ người Hoa. 30 năm sau kể từ khi Joe 2 giải nghệ, ông bị bắt lại và gửi về quá khứ cho Joe 1 giết, lần này thì ám sát không thành công.
Có một điểm hết sức thú vị ở Looper : lúc mới vào phim, có thể bạn đã tự hỏi Joseph Gordon-Levitt đâu rồi nhỉ ? và sau nhận ra rồi thì bạn lại không hiểu vì sao mà anh ta trông khác vậy ?
Lý do là để nhìn tương đồng hơn với Joe già của Bruce Willis, đội ngũ hóa trang đã phải hơi “mạnh tay” chút. Thực sự là với ngoại hình như vậy nhìn Joseph đẹp trai và nam tính hơn hẳn. Thêm vào đó tính cách của nhân vật Joe trẻ xây dựng rất phóng khoáng và phong trần nên dễ dàng giành được cảm tình của khán giả.
Cùng với Joe trẻ, Joe già do Bruce Willis thủ vai cũng ghi dấu ấn với người xem bởi sự phong độ của mình dù ông đã ở độ tuổi lão thành.
Looper được sản xuất vào năm 2012 nên hình ảnh của phim trông rất mượt và thích mắt. Những đoạn tự sự của Joe cộng với âm thanh từ chiếc đồng hồ làm mang lại cảm xúc thú vị mà chỉ phim này mới có.
Mặc dù có kha khá điểm cộng nhưng cũng có một vài điểm mình thấy khá nhức nhối ở bộ phim này.
Đầu tiên phải kể đến cách hành xử của các nhân vật, nó có gì đó khá ràng buộc. Việc Joe già nằng nặc đòi giết Rain Maker dù ở thời điểm này hắn chỉ là một đứa trẻ, hay Joe trẻ hy sinh bản thân để cứu Sara và Cid trong khi anh ta rõ ràng là một kẻ thực dụng, thậm chí trước đó Joe cũng từng nói rằng anh không quan tâm đến đứa trẻ kia.
Hơn nữa nếu nhìn nhận một cách thực tế, chẳng có gì đảm bảo rằng Sid sẽ không trở thành Rain Maker trong tương lai sau cái chết của Joe.
Tồn tại một sự khó hiểu không hề nhẹ ở đây bởi như mình đã giải thích ở trên, Rain Maker xuất hiện ở thời của Joe già, nhưng Joe già mới là “phiên bản Joe” đầu tiên quay về quá khứ để giết Rain Maker. Thế nhưng nguyên nhân khiến Cid trở thành Rain Maker là do Joe già giết mẹ của nó. Vậy thì cái thằng Rain Maker trong tương lai ở đâu ra ?
Mặc dù cái chết của Joe trẻ có phần quá “cảm tử” nhưng cũng phải thừa nhận rằng nó làm nên điểm nhấn khó quên cho bộ phim.
Rất có thể trong cái giây phút định mệnh đó, Joe nhận ra bàn tay mình đã dính máu quá nhiều, và một sinh mạng nữa chuẩn bị ra đi dưới tay của chính Joe – phiên bản già hơn. Anh quyết định tự sát, kết thúc cuộc đời của một sát thủ.
Điểm thứ hai làm mình chưa thỏa mãn là phân đoạn Cid mất kiểm soát và bộc phát năng lực khủng khiếp ở cuối phim, thế nhưng sau khi người mẹ thuyết phục bằng vài câu nói lại ngoan ngoãn nghe lời. Đây là một mô típ kinh điển mà chắc chả có ai chưa xem qua vài nghìn lần. Nếu nói là dở thì không hẳn, chỉ là nó lặp đi lặp lại nhiều quá nên mình thấy hơi nhàm.
Điểm thứ ba, cái này chỉ là một thiếu sót nhỏ thôi, liên quan đến Rain Maker, đó là khả năng của nhân vật này trong tương lai chưa được bộc lộ rõ trong phim. Thực chất khán giả mới chỉ được biết đến hắn qua lời kể của Joe già chứ chưa được “mục tận sở thị”.
Nhìn chung, Looper nằm ở tầm trung so với những phim giả tưởng khác, có tính giải trí, nội dung tương đối dễ chịu. Chưa thể đạt đến tầm như những cái tên cùng thể loại như Predestination hay Interstellar nhưng chắc cũng phải ngang ngửa The Jacket hay Timecrimes.